Công ty Luật Việt Nam – Phước & Cộng Sự

10 CÁCH ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM PHỔ BIẾN HIỆN NAY

Đầu tư là một trong những hoạt động kinh doanh không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong những năm gần đây, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, kéo theo đó là nhu cầu tìm hiểu về các hình thức đầu tư khả thi vào Việt Nam. Luật Đầu tư 2020 đã có quy định về những hình thức đầu tư chính, tuy nhiên trên thực tế, các hình thức đầu tư vào Việt Nam hiện nay đang được tiếp cận rất đa dạng và dễ gây nhầm lẫn, rắc rối cho những nhà đầu tư chưa quen thuộc với thị trường Việt Nam. Qua bài viết này, Phước và Các Cộng Sự sẽ liệt kê và phân tích 10 cách đầu tư phổ vào Việt Nam phổ biến hiện nay và những điểm các nhà đầu tư cần chú ý khi chuẩn bị tiến hành đầu tư vàoViệt Nam.

  1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế là hình thức đầu tư kinh doanh, theo đó, nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập các tổ chức kinh tế. Theo Điều 3.21 Luật Đầu tư 2020, tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp (thuộc các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

Theo Điều 22.1.b Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài do Chính phủ công bố, trong đó bao gồm các điều kiện về (i) tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ; hình thức đầu tư; (ii) phạm vi hoạt động đầu tư; (iii) năng lực của nhà đầu tư, đối tác tham gia đầu tư và các điều kiện khác theo quy định pháp luật.

Đối với dự án thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sau đó thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thì không bắt buộc thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư.

  1. Đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp tại Việt Nam

Khác với đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư theo hình thức mua cổ phần, phần góp vốn diễn ra khi tổ chức kinh tế đã được thành lập, đang trong quá trình hoạt động và nhà đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp từthành viên, cổ đông hiện hữu chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 24.2 Luật Đầu tư 2020.

Theo Điều 25.2 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư mua được phép cổ phần, mua phần vốn góp theo các hình thức sau đây: (i) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông; (ii) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn; (iii) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh; và (iv) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp nêu trên.

Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục thay đổi thành viên hoặc thông báo thay đổi cổ đông nước ngoài góp vốn theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Trong một số trường hợp quy định tại Điều 26.2 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi tiến hành thủ tục thay đổi thành viên hoặc thông báo thay đổi cổ đông nước ngoài góp vốn.

  1. Đầu tư thông qua thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo quy định tại Điều 51 Luật Chứng Khoán 2019 và Điều 138 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp trên thị trường Việt Nam thông quy ủy thác quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài chịu giới hạn về tỷ lệ sở hữu đối với một số ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường. Tuy nhiên mức giới hạn tỷ lệ sở hữu này chỉ áp dụng với một số ít ngành nghề. Nhìn chung, nhà đầu tư nước ngoài có thể xem thị trường chứng khoán như là một kênh hữu hiệu để thâu tóm những công ty cổ phần đại chúng hoặc đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

  1. Đầu tư góp vốn

Đầu tư góp vốn được hiểu là việc nhà đầu tư đóng góp tài sản thuộc sở hữu của mình vào tổ chức kinh tế để trở thành chủ sở hữu chung, tham gia vào hoạt động kinh doanh của tổ chức. Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư góp vốn vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 24.2 Luật Đầu tư 2020, tương tự với nhà đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp.

Theo Điều 25.1 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư được phép góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây: (i) mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; (ii) góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; và (iii) góp vốn vào tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp trên.

Loại tài sản nhà đầu tư có thể góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các tổ chức kinh tế khác bao gồm Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam theo Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020.

Thủ tục đầu tư góp vốn được thực hiện tương tự thủ tục đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp như đã nêu tại mục 2 phía trên.

  1. Thực hiện dự án đầu tư

Dự án đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 được hiểu là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

Quá trình thực hiện dự án đầu tư trải qua một số thủ tục cần lưu ý bao gồm: thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu hoặc chấp thuận nhà đầu tư; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng đối với các dự án đầu tư quy mô lớn, trong các lĩnh vực trọng yếu hoặc có tác động đáng kể đến kinh tế xã hội cần có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư.

Thời gian hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế tối đa là 70 năm, ngoài khu kinh tế không quá 50 năm, trừ một số trường hợp thực hiện tại khu vực kinh tế xã hội khó khăn hoặc có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi chậm.

  1. Đầu tư theo hình thức thực hiện hợp đồng BCC

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) được định nghĩa tại Điều 3.14 Luật Đầu tư 2020 là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu theo quy định tại Điều 28 Luật Đầu tư 2020

Nhà đầu tư nước ngoài ký kết hợp đồng BCC với nhà đầu tư trong nước hoặc với nhà đầu tư nước ngoài khác để thực hiện đầu tư vào Việt Nam phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư 2020. Sau đó, các bên tham gia hợp đồng BCC phải thành lập ban điều phối để thực hiện các nội dung trong hợp đồng BCC với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do các bên thỏa thuận.

Để thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, Điều 49 Luật Đầu tư 2020 cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam. Nhà đầu tư phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành và nộp tại cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng này.

  1. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Theo Điều 3.10 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.

Dự án PPP được hiểu là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Theo Điều 4.1 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, hiện nay chỉ có 05 lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP là: (i) giao thông vận tải, (ii) lưới điện, nhà máy điện, (iii) thuỷ lợi và các công trình cung cấp, xử lý nước, (iv) y tế, giáo dục đào tạo và (v) hạ tầng công nghệ thông tin.

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được thực hiện thông qua ký kết hợp đồng dự án PPP. Hiện tại, pháp luật quy định có 7 loại hợp đồng dự án PPP, bao gồm: (i) Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT); (ii) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO); (iii) Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO); (iv) Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M); (v) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL), (vi) Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (BLT) và (vii) Hợp đồng hỗn hợp.

  1. Mua lại doanh nghiệp

Theo Điều 29.4 Luật Cạnh tranh 2018, mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

Để thực hiện mua lại toàn bộ một doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư cần thực hiện các thủ tục kiểm soát tập trung kinh tế quy định tại Luật Cạnh tranh 2018, bao gồm nộp hồ sơ thông báo về giao dịch mua lại cho Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khi giao dịch mua lại đạt đến ngưỡng thông báo tập trung kinh tế theo Điều 33.2 Luật Cạnh tranh 2018. Tuỳ từng trường hợp mà hồ sơ thông báo sẽ phải trải qua các vòng thẩm định sơ bộ và thẩm định chính thức trước khi Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định cho phép hoặc cấm giao dịch được thực hiện, trong một số trường hợp tác động gây hạn chế cạnh tranh của giao dịch là lớn nhưng có thể giảm thiểu xuống mức phù hợp, giao dịch mua lại vẫn có thể được phép tiến hành nhưng buộc phải áp dụng thêm một số điều kiện nhất định, ví dụ chia, tách, bán lại một phần vốn góp hoặc tài sản của doanh nghiệp.

  1. Mở chi nhánh, văn phòng đại diện

Theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh và văn phòng đại diện đều là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền thì văn phòng đại diện chỉ có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó mà không có chức năng kinh doanh.

Điều 3 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài là thương nhân. Doanh nghiệp nước ngoài phải hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký nếu muốn mở văn phòng đại diện ở Việt Nam và ít nhất 05 năm nếu muốn thành lập chi nhánh. Ngoài ra, nội dung hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài.

Để mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài cần nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập chi nhánh hoặc Giấy phép thành lập văn phòng đại diện đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

  1. Trở thành nhà thầu phụ

Theo Điều 4.27 Luật Đấu thầu 2023, nhà thầu phụ là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với nhà thầu để tham gia thực hiện công việc xây lắp; tư vấn; phi tư vấn; dịch vụ liên quan của gói thầu cung cấp hàng hóa; công việc thuộc gói thầu hỗn hợp. Ngoài ra Luật Đấu thầu còn ghi nhận vị trí nhà thầu phụ đặc biệt, được hiểu là nhà thầu phụ thực hiện công việc quan trọng của gói thầu do nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên cơ sở yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Chỉ các nhà thầu phụ có tên trong danh sách các nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và được chủ đầu tư chấp thuận để tham gia thực hiện công việc mới được ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các nghĩa vụ của nhà thầu chính, đồng thời khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện đều do nhà thầu chính chịu trách nhiệm.

Đối với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu nước ngoài phải thực hiện thủ tục để được cấp phép hoạt động xây dựng ở Việt Nam theo quy định của Luật Xây dựng. Sau đó, nhà thầu nước ngoài có thể lập văn phòng điều hành dự án để thuận tiện khi thực hiện các công việc thầu trong dự án và tuyển dụng lao động tại Việt Nam.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến 10 cách đầu tư vào Việt Nam phổ biến hiện nayPhước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

Summary
Article Name
10 CÁCH ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM PHỔ BIẾN HIỆN NAY
Description
Đầu tư là một trong những hoạt động kinh doanh không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong những năm gần đây, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài