Một bài viết của Luật sư Nguyễn Hữu Phước & “6 điều cần lưu ý trước khi khởi kiện” được đăng trên Nhịp Cầu Đầu Tư, thứ Hai ngày 29/09/2011.
***
Khởi kiện là quyền của các bên trong hợp đồng khi có tranh chấp và điều này cũng góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, xử sự theo pháp luật, thanh lọc môi trường thương mại, kinh doanh. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu một vụ kiện tranh chấp trong hợp đồng thương mại, kinh doanh, những người trong cuộc nên cân nhắc thận trọng một số vấn đề để có quyết định đúng.
Người Việt Nam có câu “Vô phúc đáo tụng đình”, nên trong quan hệ kinh doanh, các bên thường cố gắng giải quyết tranh chấp, bất đồng thông qua thương lượng, thỏa thuận, thậm chí lờ đi các vi phạm nhỏ để tránh làm xấu mối quan hệ.
Tuy nhiên, đôi khi các bên không thể ngồi với nhau để nói chuyện đúng sai, hoặc lòng tin về lời hứa thực hiện nghĩa vụ của đối tác không còn, việc một bên khởi kiện bên kia ra tòa (hoặc trọng tài) là việc khó tránh. Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn, các vi phạm, tranh chấp hợp đồng có xu hướng tăng, lòng kiên nhẫn của các bên giảm khiến việc tố tụng dường như phổ biến hơn.
Tuy vậy, sẽ là sai lầm nếu đưa tất cả các tranh chấp hợp đồng ra cơ quan tố tụng giải quyết. Việc khởi kiện nên được coi là biện pháp sau cùng khi không còn cách giải quyết khả dĩ hơn. Nếu không, có khi chưa thu lợi gì được từ việc kiện tụng, bên khởi kiện lại chịu thiệt đơn thiệt kép cho quyết định khởi xướng “đáo tụng đình” của mình.
Để hạn chế rủi ro tiềm ẩn, cần cân nhắc những điểm dưới đây trước khi quyết định có nên khởi kiện hay không và kiện như thế nào.
Sự tham gia của luật sư vào vụ kiện
Trong lĩnh vực pháp lý nói chung và tố tụng dân sự nói riêng, để đạt hiệu quả tố tụng nhất định, đương sự phải nắm rõ nội dung tranh chấp của mình, biết mình muốn gì, qua đó đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành cũng như thực tế xét xử các tranh chấp tương tự để suy xét thiệt hơn trước khi quyết định có khởi kiện hay không, nếu kiện thì kiện như thế nào, phạm vi kiện tới đâu, kiện ở đâu… Những nội dung này không phải ai cũng biết. Vì vậy, việc tham gia của luật sư vào vụ kiện sẽ giúp bên khởi kiện giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Ở Việt Nam, việc thuê luật sư tham gia vào vụ kiện, bao gồm cả việc tư vấn trước khi nộp đơn khởi kiện, chưa phổ biến như ở nhiều nước có hoạt động tố tụng phát triển vì nhiều lý do, trong đó có sự hồ nghi vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp và chi phí phải trả cho luật sư trong điều kiện mặt bằng kinh tế còn tương đối thấp hiện nay. Trong một số trường hợp, bên có ý định khởi kiện cũng không muốn chia sẻ các thông tin về tranh chấp, về hoạt động nội bộ hay các thông tin nhạy cảm khác với bên ngoài.
Vì lẽ đó, bên có ý định khởi kiện cần làm rõ nhu cầu, khả năng tài chính của mình để xác định xem vụ kiện có cần sự tham gia của luật sư hay không. Quyết định không đúng hoặc không đúng thời điểm đều có thể dẫn đến thiệt hại nhất định nào đó. Không ít trường hợp, bên khởi kiện phải trả chi phí khá cao cho luật sư trong khi tranh chấp nhỏ, tình tiết đơn giản mà bản thân bên khởi kiện hoàn toàn có thể tự mình thực hiện các quyền của nguyên đơn tại cơ quan giải quyết tranh chấp. Ngược lại, cũng từng có rất nhiều trường hợp, bên khởi kiện tự nộp đơn mà không cần sự tư vấn của luật sư, đến khi xem lại thì yêu cầu của bên khởi kiện rất yếu về cơ sở pháp lý, kéo theo đó là khả năng mất toàn bộ án phí hay phí trọng tài vô ích mà còn bị bị đơn phản tố.
Cân nhắc khả năng thắng kiện
Một câu hỏi người trong cuộc cần đặt ra trước khi khởi kiện là khả năng thắng kiện khoảng bao nhiêu phần trăm?
Trên cơ sở ý kiến của người tư vấn pháp lý, các bên có thể tự suy xét khả năng thắng kiện của mình. Chỉ khi tự tin phần đúng thuộc về mình các bên mới nộp hồ sơ khởi kiện. Ngược lại, khi chưa suy xét kỹ phần lý thuộc về ai nhiều hơn trong vụ tranh chấp, việc nộp đơn khởi kiện rất dễ dẫn đến thiệt hại cho người khởi kiện. Thiệt hại có thể bao gồm cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của bên khởi kiện của cơ quan giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, hai yếu tố quan trọng là lời khai của các bên và bằng chứng chứng minh do các bên cung cấp. Cùng với việc chuẩn bị lời khai có lợi cho mình, người khởi kiện cần dành thời gian, công sức thu thập càng nhiều càng tốt các hồ sơ, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có cơ sở trước khi tiến hành khởi kiện. Các chứng cứ nên được sắp xếp, trình bày một cách hệ thống, mạch lạc. Sự chuẩn bị thật kỹ về lời khai, chứng cứ trước khi nộp đơn khởi kiện sẽ làm tăng đáng kể cơ hội thắng kiện.
Khả năng thi hành án của bên thua kiện
Mong muốn sau cùng để khởi kiện phần lớn là đòi được một khoản tiền hoặc tài sản bồi thường nào đó từ bên bị kiện. Vậy, bên có ý định khởi kiện nên xem xét liệu bên bị kiện có khả năng thi hành án không. Nếu không thì mục đích khởi kiện xem như không đạt được mà lại mất thời gian, tiền bạc đi kiện. Điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được nhưng là động tác không thể bỏ qua khi một bên muốn khởi kiện đòi tiền hoặc tài sản của bên kia.
Rất nhiều trường hợp nguyên đơn thắng kiện, tòa án hoặc trọng tài thương mại buộc bị đơn phải trả tiền cho nguyên đơn và bản án, quyết định nhanh chóng có hiệu lực bởi không bị bị đơn kháng cáo, kháng nghị (đối với bản án) hay có hành vi cản trở nào khác nhưng bị đơn không có tài sản để thi hành án.
Cũng có nhiều trường hợp bên thua kiện có tài sản nhưng đồng thời với đó họ cũng có nhiều bản án khác phải thi hành, những khoản nợ ngân hàng có bảo đảm đã đến hạn thanh toán nhưng mất khả năng chi trả. Bên thắng kiện rốt cuộc vẫn tay không, chỉ còn cách giữ bản án và chờ đợi.
Nếu bên thua kiện là cá nhân, pháp nhân nước ngoài thì bên thắng kiện còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn xuất phát từ việc thi hành án tại nước ngoài. Khi đó, bên thắng kiện phải sử dụng dịch vụ pháp lý ở nước ngoài mà chi phí cho công việc này là không nhỏ.
Tuy những vấn đề trên là “hậu” kiện tụng nhưng bên có ý định khởi kiện cần suy xét cẩn thận, để không phải ngậm ngùi than vãn: “Biết vậy, khỏi khởi kiện!”.
Khả năng bị kiện ngược lại
Kiện ngược lại hay còn gọi là phản tố là việc bên bị kiện kiện ngược lại bên khởi kiện. Yêu cầu phản tố của bên bị kiện nếu được chấp nhận có thể dẫn đến việc bù trừ nghĩa vụ với bên khởi kiện hoặc loại trừ toàn bộ hay một phần yêu cầu của bên khởi kiện.
Phản tố là quyền của bên bị kiện nên thường được họ sử dụng triệt để, vì vậy có thể gây cho bên khởi kiện không ít khó khăn.
Trước khi quyết định khởi kiện, cần xem xét kỹ nội dung hợp đồng, quá trình thực hiện hợp đồng, rà soát lại các thông tin, trao đổi với bên kia để đánh giá xem họ có khả năng phản tố hay không, nếu có thì cụ thể là vấn đề gì, yêu cầu phản tố có khiến bên khởi kiện không thể đòi hỏi được một lợi ích vật chất nào hay không, hoặc giả rằng có thì lợi ích đó có đáng với những gì bên khởi kiện đã bỏ ra không.
Cân nhắc khoản tiền thu được nếu thắng kiện với các chi phí
Cần chú ý các chi phí phát sinh khi tham gia tố tụng ngoài án phí hoặc phí trọng tài. Một khi đã quyết định khởi kiện, bên khởi kiện đã chấp nhận phí tổn liên quan đến vụ tranh tụng, nhưng chấp nhận ở mức bao nhiêu lại là chuyện khác.
Vẫn biết một vụ kiện tụng thường kéo dài, tốn không ít tiền bạc, nhất là những khoản tiền tính riêng thì nhỏ, nhưng gom góp lại thì không hề nhỏ. Chẳng hạn chi phí đi lại, ăn ở của người đại diện cho bên khởi kiện, nặng hơn là cho những chuyến đi nước ngoài nếu trung tâm trọng tài nước ngoài là cơ quan giải quyết tranh chấp; chi phí dịch thuật, hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng đối với các tài liệu liên quan; chi phí thu thập chứng cứ; chi phí giám định, định giá; chi phí khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; chi phí thuê phiên dịch; chi phí luật sư; chi phí thông tin liên lạc. Nếu không dự toán chi phí kiện tụng, có khi số tiền thu nhờ thắng kiện được không đủ để bù đắp phí tổn.
Hình ảnh của bên khởi kiện trong và sau khi khởi kiện
Ở nước ngoài, cách nhìn nhận của xã hội nói chung về những tranh chấp đưa nhau ra tòa án hay trọng tài rất bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam ta, khi nói đến kiện tụng, mọi người vẫn e dè. Vì thế bên khởi kiện có khi bị phán xét là quá “mạnh tay” hay “không nghĩ trước sau”…
Chính vì vậy, cần suy xét kỹ một số yếu tố trước khi quyết định khởi kiện như quan hệ, lợi ích của đôi bên, ảnh hưởng bất lợi nếu mất khách hàng, nhà cung cấp…
Ngoài ra, bên khởi kiện cũng nên suy nghĩ thêm về cách nhìn của các doanh nghiệp khác đối với mình. Khi thông tin về vụ kiện đã được công khai, dù muốn hay không, bên khởi kiện cũng có tiếng là “thích kiện tụng”. Các doanh nghiệp khác khi muốn trở thành đối tác với bên khởi kiện cũng ngại ngần, sợ một ngày nào đó không xa họ cũng sẽ là bên bị kiện.