Khi quá trình hoạt động kinh doanh có kết quả không tốt, doanh nghiệp thua lỗ, mất khả năng thanh toán thì một trong những cách để doanh nghiệp xoá nợ hợp pháp đó chính là yêu cầu Toà án mở thủ tục phá sản để giải quyết vụ việc phá sản. Vậy các Điều Kiện Để Yêu Cầu Con Nợ Tuyên Bố Phá Sản là gì? Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản diễn ra như thế nào? Bài viết về Điều Kiện Để Yêu Cầu Con Nợ Tuyên Bố Phá Sản dưới đây sẽ giới thiệu và phân tích các điều kiện để yêu cầu mở thủ tục phá sản cũng như trình tự, thủ tục của một vụ việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản diễn ra như thế nào và các nội dung có liên quan khác về thủ tục phá sản tại Việt Nam.
Phá sản là gì?
Phá sản doanh nghiệp là hình thức chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (xoá tên doanh nghiệp trong hệ thống đăng ký kinh doanh) bằng cách thanh lý tài sản để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp. Hiểu một cách đơn giản, khi nhận thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp Đơn xin phá sản gửi đến Toà án có thẩm quyền theo quy định của Luật Phá sản. Lúc này, Toà án sẽ xem xét hồ sơ và thực hiện các hoạt động tố tụng hành chính khác để ra quyết định về việc có đồng ý cho doanh nghiệp thực hiện Phá Sản hay đóng hồ sơ, chấm dứt giải quyết vụ việc (không đồng ý cho doanh nghiệp phá sản).
Trường hợp Toà án có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó sẽ phát sinh các nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định. Lưu ý, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của các chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của Công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, điều này có thể được hiểu rằng, pháp luật Việt nam hiện không có cơ chế cho cá nhân tuyên bố phá sản, việc phá sản chỉ áp dụng cho các tổ chức là pháp nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản.
Điều Kiện Để Yêu Cầu Con Nợ Tuyên Bố Phá Sản gồm những gì?
Như đề cập ở định nghĩa về phá sản và quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản, có thể hiểu rằng, việc yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện bởi hai chủ thể chính (i) là các doanh nghiệp có nghĩa vụ và (ii) là người có quyền theo quy định của Luật Phá sản. Đối với trường hợp (i) thì khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần; chủ tịch hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thành viên hợp danh của công ty hợp danh nhận thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đối với trường hợp (ii) thì các cá nhân là chủ nợ; người lao động; công đoàn cơ sở khi quá thời hạn thanh toán từ 03 tháng nhưng vẫn chưa được thanh toán; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán, thì có quyền nộp đơn Yêu Cầu Con Nợ Tuyên Bố Phá Sản.
Để làm rõ hơn về các Điều Kiện Để Yêu Cầu Con Nợ Tuyên Bố Phá Sản, đầu tiên cần phải phân tích thế nào là doanh nghiệp có nợ, các dấu hiệu để nhận biết doanh nghiệp có nợ và nợ không có khả năng thanh toán là gì? Trước hết, về dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp có nợ, các khoản nợ này là các khoản nợ không có tài sản bảo đảm hoặc có tài sản bảo đảm một phần (nhưng giá trị của tài sản bảo đảm nhỏ hơn khoản nợ); nợ đã được các bên xác định rõ ràng (dựa trên các biên bản đối chiếu công nợ, giấy xác nhận nợ của doanh nghiệp.v.v.). Khi các khoản nợ này đến hạn thanh toán, mặc dù chủ nợ đã yêu cầu thanh toán (thể hiện thông qua các văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán) và quá ba (03) tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán nhưng không được thanh toán thì lúc này chủ nợ có quyền Yêu Cầu Con Nợ Nộp Đơn Tuyên Bố Phá Sản.
Về Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tùy theo đối tượng yêu cầu, đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Ngày, tháng, năm; tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết phá sản; tên, địa chỉ của người làm đơn; tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản; khoản nợ đến hạn (tiền lương đến hạn) hoặc căn cứ yêu cầu mở thủ tục phá sản. Kèm theo đơn phải có chứng từ để chứng minh khoản nợ đến hạn. Trường hợp có đề xuất chỉ định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, thì đơn ghi rõ tên, địa chỉ của các đối tượng này.
Trình tự, thủ tục thực hiện mở thủ tục phá sản, Yêu Cầu Con Nợ Tuyên Bố Phá Sản
Một vụ Yêu Cầu Con Nợ Tuyên Bố Phá Sản bao gồm bốn (04) giai đoạn chính, gồm: (i) mở thủ tục phá sản, (ii) tiến hành các thủ tục phá sản, (iii) tuyên bố phá sản và (iv) thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Mở thủ tục phá sản
Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở/ không mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với người nộp đơn yêu cầu, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, các cá nhân, tổ chức có liên quan khác để xem xét, kiểm tra các căn cứ cho thấy rằng doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Tiến hành các thủ tục phá sản
Sau khi đã mở thủ tục phá sản, vụ việc phá sản được tiến hành thông qua rất nhiều thủ tục như: chỉ định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý; thanh lý tài sản; kiểm toán doanh nghiệp mất khả năng thanh toán; giám sát hoạt động kinh doanh; thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; xác định nghĩa vụ tài sản (giá trị nghĩa vụ, tiền lãi, xử lý khoản nợ có bảo đảm, thứ tự phân chia tài sản); các biện pháp bảo đảm tài sản (áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời); tổ chức hội nghị chủ nợ, phục hồi hoạt động kinh doanh.
Một trong những nội dung quan trọng trong giai đoạn tiến hành các thủ tục phá sản là tổ chức Hội nghị Chủ nợ. Sau khi Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản, đã chỉ định Quản tài viên tham gia, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản tham gia, đồng thời có danh sách chủ nợ, tài sản đã kiểm kê cùng các tài liệu, thông tin có liên quan khác. Để có thể đi đến kết luận về phương án giải quyết vụ việc phá sản, cần phải thực hiện việc triệu tập họp Hội nghị Chủ nợ. Với nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người tham gia, công khai trong việc tiến hành hội nghị, thì tại Hội nghị Chủ nợ, các vấn đề liên quan đến những khó khăn tài chính, tình trạng tài sản và các nghĩa vụ còn tồn đọng của doanh nghiệp sẽ được đưa ra để cùng thảo luận, tìm ra giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán.
Tuyên bố phá sản
Như đề cập ở trên thì sau khi tổ chức hội nghị chủ nợ, Hội nghị Chủ nợ sẽ ban hành Nghị quyết, trong đó có một trong các kết luận (i) Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản (ii) Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh và (iii) Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Toà án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được Nghị Quyết của Hội nghị Chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản. Nếu Hội nghị không thành thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp hội nghị chủ nợ, Toà án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Thi hành quyết định tuyên bố phá sản
Đối với việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản, sau khi cơ quan thi hành án nhận được quyết định tuyên bố phá sản, Chấp hành viên thực hiện các nhiệm vụ sau: Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; Giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản; Thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự.
Các nội dung cần lưu ý cho doanh nghiệp Yêu Cầu Con Nợ Tuyên Bố Phá Sản
Phá sản được coi là biện pháp đòi nợ tập thể và xoá nợ hợp pháp (giải thoát nghĩa vụ trả nợ) sau khi thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản, ngoại trừ các doanh nghiệp tư nhân và/hoặc doanh nghiệp hợp danh. Yêu cầu tuyên bố phá sản, đòi nợ và xoá nợ có những tính áp dụng tương đồng nhất định, nhưng cũng có những sự khác biệt nhất định. Yêu cầu tuyên bố phá sản là hành vi về bản chất là giúp các chủ nợ đòi nợ thông qua việc phân chia số tài sản còn lại của doanh nghiệp (nếu có) tại thời điểm tòa án ra quyết định phá sản, chứ không phải là việc đòi doanh nghiệp bị phá sản phải trả gốc và lãi như các vụ kiện đòi nợ thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế thì một vụ việc phá sản thường để lại nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của Quốc gia, khi quy mô doanh nghiệp phá sản càng lớn, tham gia vào quá trình phân công lao động của ngành nghề đó càng sâu và rộng, số lượng đối tác, bạn hàng càng nhiều, thì sự phá sản của nó có thể dẫn đến sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp là đối tác theo hiệu ứng “domino – phá sản dây chuyền”. Về mặt xã hội còn làm tăng số lượng người thất nghiệp, làm cho sức ép về việc làm ngày càng lớn và có thể dẫn đến các tệ nạn xã hội nguy hiểm khác. Chính vì thế mà việc phá sản nên được hạn chế và cần phải coi là sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất của chính phủ đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Điều Kiện Để Yêu Cầu Con Nợ Tuyên Bố Phá Sản mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng