Xu hướng hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển lao động giữa các quốc gia. Tại Việt Nam, với sự gia tăng không ngừng của các dự án đầu tư nước ngoài và nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn cao, việc tuyển dụng người lao động nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia và nhà quản lý, ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, quản lý hiệu quả nguồn lao động nước ngoài và ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong nước, pháp luật Việt Nam yêu cầu người lao động nước ngoài phải có giấy phép lao động hợp lệ. Đây không chỉ là điều kiện pháp lý bắt buộc mà còn là cơ sở để người lao động nước ngoài được bảo vệ quyền lợi và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về Khái Niệm Giấy Phép Lao Động Và Tầm Quan Trọng Của Giấy Phép Lao Động Đối Với Người Lao Động Nước Ngoài Tại Việt Nam để giúp các cá nhân và doanh nghiệp nắm rõ hơn về vấn đề này.
Khái niệm giấy phép lao động
Giấy phép lao động là một loại giấy tờ pháp lý cho phép người lao động mang quốc tịch nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Theo quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 70/2023/NĐ-CP, giấy phép lao động được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động dự kiến làm việc.
Nội dung của giấy phép lao động
Mẫu giấy phép lao động được quy định tại Mẫu số 12/PLI, ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Giấy phép lao động có thể được cấp dưới hai hình thức, bao gồm:
- Bản giấy: Là bản in truyền thống được cấp và sử dụng rộng rãi trong các giao dịch hành chính.
- Bản điện tử: Là dạng tài liệu số hóa, có giá trị pháp lý tương đương bản giấy và được sử dụng trong các hệ thống trực tuyến nhằm tăng tính thuận tiện và giảm thủ tục giấy tờ.
Bất kể hình thức nào, giấy phép lao động đều phải bao gồm đầy đủ các thông tin sau:
Mã số giấy phép và tình trạng giấy phép
Giấy phép lao động sẽ có mã số bao gồm mã số tỉnh/thành phố, mã số Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm cấp giấy phép, loại giấy phép (cấp mới, gia hạn, cấp lại), và số thứ tự.
Thông tin cá nhân của người lao động
- Họ và tên;
- Giới tính;
- Số hộ chiếu;
- Ngày tháng năm sinh;
- Quốc tịch hiện hành và số hộ chiếu.
Thông tin về nơi làm việc
- Tên và địa chỉ của tổ chức, doanh nghiệp nơi người lao động dự kiến làm việc.
- Địa điểm làm việc tương ứng với địa điểm được quy định trong hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết với người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm thì phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc.
Thông tin về vị trí công việc, hình thức làm việc và chức danh công việc
- Vị trí công việc mà người lao động sẽ đảm nhận, bao gồm chức danh cụ thể như chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật. Ngoài ra, còn bao gồm thông tin về hình thức làm việc của người lao động là một trong những hình thức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
- Chức danh công việc tương ứng với vị trí công việc, đảm bảo tương thích với chức danh trong hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết với người sử dụng lao động.
Thời hạn làm việc
Thời hạn làm việc của người lao động thường được căn cứ vào thời hạn hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết với người sử dụng lao động hoặc các trường hợp khác được quy định tại Điều 10 Nghị định 152/2020/NĐ-CP nhưng tối đa không quá 02 năm kể từ thời điểm giấy phép lao động có hiệu lực.
Tầm Quan Trọng Của Giấy Phép Lao Động Đối Với Người Lao Động Nước Ngoài Tại Việt Nam
Giấy phép lao động là một tài liệu pháp lý rất quan trọng đối với người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam, vì những lý do sau đây:
Hợp pháp hóa hoạt động làm việc
Giấy phép lao động là chứng nhận hợp pháp cho phép người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Việc có giấy phép lao động giúp người lao động tránh được các rủi ro pháp lý, như bị xử phạt hành chính hoặc trục xuất do làm việc không có giấy phép. Theo khoản 3 Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người lao động nước ngoài sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng nếu có hành vi làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định. Ngoài ra, người lao động còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất khỏi Việ
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động là tổ chức có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực cũng có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng tùy theo số lượng người lao động vi phạm theo khoản 1 Điều 6 và khoản 4 Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
Do đó, người lao động nước ngoài và người sử dụng lao động cần tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về lao động tại Việt Nam, bao gồm việc xin cấp giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước khi làm việc. Việc không tuân thủ các quy định này không chỉ dẫn đến các hình thức xử phạt hành chính mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, uy tín và khả năng làm việc hợp pháp của người lao động tại Việt Nam. Để tránh các rủi ro pháp lý, người lao động nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động cần phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị và nộp đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
Bảo vệ quyền lợi của người lao động
Giấy phép lao động không chỉ là một tài liệu pháp lý mà còn là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Khi có giấy phép, người lao động có quyền yêu cầu các quyền lợi theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm lương, điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, và các quyền lợi khác theo hợp đồng lao động.
Theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, Khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động nước ngoài sẽ được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, và lương hưu khi nghỉ hưu. Đây là một phần quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động, giảm thiểu rủi ro tài chính khi gặp sự cố trong quá trình làm việc tại Việt Nam.
Thực hiện nghĩa vụ thuế
Người lao động nước ngoài có giấy phép lao động sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm việc khai báo thuế thu nhập cá nhân và nộp thuế đầy đủ. Việc tuân thủ nghĩa vụ thuế không chỉ giúp tránh các rủi ro vi phạm pháp luật về thuế mà còn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động khi làm việc tại Việt Nam.
Giấy phép lao động không chỉ là một yêu cầu pháp lý bắt buộc đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trật tự, an ninh xã hội và sự minh bạch trong quản lý lao động. Việc tuân thủ các quy định về giấy phép lao động và hiểu rõ Khái Niệm Giấy Phép Lao Động Và Tầm Quan Trọng Của Giấy Phép Lao Động Đối Với Người Lao Động Nước Ngoài Tại Việt Nam giúp người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động. Điều này góp phần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, công bằng và bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Khái Niệm Giấy Phép Lao Động Và Tầm Quan Trọng Của Giấy Phép Lao Động Đối Với Người Lao Động Nước Ngoài Tại Việt Nam mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.