Công ty Luật Việt Nam – Phước & Cộng Sự

Nghị Quyết 01/2021/NQ-HĐTP Và Quyền Lợi Doanh Nghiệp Khi Đi Vay Lãi Nặng

(Nguyễn Tuấn Anh & Luật sư Ngô Thị Kim Trinh – Công ty Luật Phước và Các Cộng Sự) 

 

Huy động các nguồn vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng và cần thiết của doanh nghiệp (“DN”). Tuy vậy, không phải DN nào cũng đáp ứng điều kiện để vay vốn tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Bởi lẽ, các DN loại này thường khó đáp ứng đủ các điều kiện về tài sản thế chấp, tình hình tài chính hoặc khả năng chi trả đối với khoản vay. Trong giai đoạn nền kinh tế đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 hiện nay, một số DN thường buộc phải tìm vay ở các cá nhân, tổ chức bên ngoài thông qua hình thức giao dịch dân sự.

 

Nắm bắt được nhu cầu vay vốn cấp bách của DN, các đối tượng cho vay lãi nặng thường đưa ra những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn chẳng hạn như lãi suất thấp, tài sản thế chấp có giá trị nhỏ hơn so với khoản vay, thủ tục nhanh chóng. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng vay, mức lãi suất DN phải trả có thể lên đến 200 – 300%/năm, tức khoảng gấp 30 – 40 lần so với mức lãi suất cho vay trung hạn của nhiều tổ chức tín dụng. Do lãi suất quá cao nên khi DN vay không trả đủ nợ gốc và lãi, các đối tượng cho vay thường thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật chẳng hạn như gây rối trật tự công cộng, giăng băng rôn, biểu ngữ, đăng tải các thông tin bôi nhọ DN trên mạng xã hội hoặc thậm chí là đe dọa, hành hung chủ DN để gây áp lực buộc DN nhanh chóng trả nợ.

 

Mặc dù thời gian vừa qua nhiều đường dây cho vay nặng lãi đã bị triệt phá, nhưng một số vướng mắc vẫn tồn đọng khi xử lý, xét xử tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo đó, xuất phát từ một số điểm chưa được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng nên trong một số trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng (“CQTHTT”) có sự khác nhau trong việc áp dụng pháp luật khi xử lý tội phạm loại này và điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hợp pháp của DN đi vay.

 

Do đó, để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP (“Nghị quyết 01”) ngày 20/12/2021,  về việc Hướng dẫn áp dụng Điều 201, Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, có hiệu lực từ ngày 24/12/2021. Theo đó, Nghị quyết 01 đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý, xét xử tội phạm cho vay lãi nặng cũng như góp phần bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của các DN có nhu cầu vay thông qua các giao dịch dân sự.

 

Áp dụng Nghị quyết 01 để xác định tài sản thu lợi bất chính

 

Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (“BLHS”) quy định cấu thành tội phạm của tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Tuy nhiên, BLHS lại chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về “thu lợi bất chính”. Trên thực tế, ngoài các khoản thu lợi bất chính từ số tiền vay gốc và lãi tương ứng, các đối tượng cho vay nặng lãi còn thu lợi từ các khoản tiền khác chẳng hạn như phí giới thiệu, phí làm hồ sơ, “bảo hiểm” tiền vay (thực tế đó là khoản tiền mà DN phải trả trước cho các đối tượng cho vay nặng lãi để đảm bảo sẽ trả nợ đúng hạn).

 

Nghị quyết 01 đã giải quyết các vướng mắc nêu trên khi đưa ra định nghĩa cụ thể về khái niệm thu lợi bất chính như sau: số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay”. Với định nghĩa này, Nghị quyết 01 đã làm rõ số tiền thu lợi bất chính sẽ bao gồm số tiền lãi gấp 05 lần mức lãi suất 20%/năm[1] (1,67%/tháng) và cả các khoản thu trái pháp luật khác chẳng hạn như phí giới thiệu, phí làm hồ sơ, bảo hiểm tiền vay,… Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết 01 còn đưa ra hướng dẫn “Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay”. Như vậy, Nghị quyết 01 đã làm rõ trường hợp các đối tượng cho vay nặng lãi thu lợi bất chính từ các tài sản khác ngoài tiền chẳng hạn như vàng, bạc, đá quý, máy móc, thiết bị của DN thì những tài sản này sẽ được quy đổi sang trị giá tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản. Có thể thấy rằng, các nội dung hướng dẫn như vậy là vô cùng cần thiết để xác định các khoản thu lợi bất chính ngoài tiền vay gốc và lãi mà các đối tượng cho vay nặng lãi đã thu trên thực tế, từ đó làm căn cứ để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc hoàn trả lại tài sản cho DN vay.

 

Hoàn trả lại cho những khoản thu lợi bất chính mà đối tượng cho vay nặng lãi đã thu trên thực tế

 

Trong thực tiễn xét xử, một vướng mắc thường xảy ra là việc xác định khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay nặng lãi bị tịch thu sung quỹ Nhà nước hay được hoàn trả lại cho DN vay. Để làm rõ vấn đề này, khoản 2, Điều 5 Nghị quyết 01 cũng đưa ra hướng dẫn như sau: “Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, …) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước”. Hướng giải quyết như trên là phù hợp với nội dung đã được giải đáp tại Công văn 212/TANDTC-PC  của TAND Tối cao ngày 13/09/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong hoạt động xét xử. Xét về mặt nguyên tắc, khi giải quyết vụ án hình sự, cần phải xác định DN vay là người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến vụ án. Do đó, các khoản thu lợi bất chính nào vượt quá mức quy định của pháp luật mà DN vay đã trả cho các đối tượng cho vay nặng lãi cần được trả lại cho DN vay chứ không thể tịch thu sung công quỹ Nhà nước vì DN vay chỉ có lỗi một phần khi xác lập giao dịch nêu trên. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, khoản 2, Điều 5 Nghị quyết 01 cũng quy định cụ thể trường hợp DN sử dụng tiền vay vào các mục đích bất hợp pháp chẳng hạn như buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất buôn bán hàng cấm,.. thì những khoản tiền thu lợi bất chính mà các đối tượng cho vay lãi nặng đã thu từ DN vẫn sẽ bị tịch thu sung vào công quỹ Nhà nước.

 

Xử Lý Các Hành Vi Khác Liên Quan Đến Đòi Nợ

 

Trên thực tế, các đối tượng cho vay nặng lãi thường thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật khác nhau nhằm mục đích gây áp lực buộc DN vay phải nhanh chóng trả nợ. Tuy nhiên, khi xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của những đối tượng cho vay nặng lãi, các CQTHTT dường như chỉ xử lý hành vi cho vay nặng lãi và chỉ xem các hành vi đòi nợ nêu trên là tình tiết tăng nặng chứ không định ra một tội danh riêng biệt hoặc thậm chí là bỏ qua việc xử lý các hành vi này.

 

Để có các biện pháp xử lý đối với các hành vi đòi nợ trái pháp luật, khoản 4, Điều 7 Nghị quyết 01 đã quy định như sau: Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,…) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Do đó, nếu các đối tượng cho vay nặng lãi thực hiện nhiều hành vi khác nhau có liên quan đến việc đòi nợ chẳng hạn như các hành vi đã được liệt kê nêu trên hoặc có hành vi khác để lấy tài sản của chủ DN hoặc bôi nhọ, đưa ra các thông tin sai sự thật về DN, thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đây là quy định mới nhằm răn đe và phòng ngừa các đối tượng có ý định thực hiện các hành vi trái pháp luật để đòi nợ để từ đó bảo vệ cho DN vay nói chung và chủ DN nói riêng.

 

Tóm lại, việc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết 01 là cần thiết, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn xử lý, xét xử tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để các CQTHTT có thể áp dụng pháp luật một cách thống nhất, chặt chẽ, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, Nghị quyết 01 cũng đã góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các DN có nhu cầu vay vốn thông qua các giao dịch dân sự, bảo vệ các DN vay nói chung và chủ DN nói riêng trước các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng cho vay lãi nặng.

 

[1] Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015