Trong quá trình thực hiện vận chuyển hàng hóa quốc tế, các bên không tránh khỏi việc xảy ra tranh chấp. Vậy, khi tranh chấp hàng hải quốc tế xảy ra, các doanh nghiệp/cá nhân có liên quan nên làm thế nào? Bài viết này sẽ trình bày về phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế để người đọc có thể xác định và lựa chọn phù hợp với trường hợp của mình.
Các tranh chấp hàng hải quốc tế
Tranh chấp hàng hải quốc tế là vấn đề thường xuyên xảy ra trong bối cảnh hoạt động thương mại quốc tế phát triển, đặc biệt là với một quốc gia đang phát triển và có nhiều hoạt động giao thương qua đường biển như Việt Nam. Song hành với sự phát triển này thì các tranh chấp hàng hải quốc tế cũng đa dạng và phức tạp hơn. Hiện nay, các tranh chấp hàng hải quốc tế phổ biến gồm:
- Tranh chấp hàng hải quốc tế phát liên quan đến điều khoản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: địa điểm giao hàng, thời gian giao hàng, giao hàng hóa không phù hợp về số lượng hoặc chất lượng…
- Tranh chấp hàng hải quốc tế liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.
Phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế
Theo quy định tại Điều 338 Bộ luật Hàng hải, ba phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế mà các bên liên quan có thể cân nhắc là thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền.
Phương thức thương lượng
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế đầu tiên mà các bên thường cân nhắc. Đây cũng được coi là phương thức hữu hiệu nhất khi có tranh chấp xảy ra. Phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm tính bí mật cho mối quan hệ kinh doanh.
Phương thức hòa giải
Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.[1]
Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế này khi các bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận với nhau và cần có sự có mặt của một bên thứ ba để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, để áp dụng được phương thức hòa giải, các bên phải có thỏa thuận được ghi rõ trong hợp đồng hoặc bằng văn bản riêng.
Phương thức khởi kiện tại Trọng tài
Khi có tranh chấp hàng hải quốc tế, các bên liên quan có thể lựa chọn việc khởi kiện tại Trọng tài thương mại. Các trung tâm Trọng tài về hàng hải có uy tín trên thế giới thường là nơi được các bên tin tưởng để thực hiện khởi kiện như: Hiệp hội Trọng tài hàng hải London hay Hội đồng Trọng tài hàng hải New York, Trung tâm Trọng tài hàng hải Gdynia Balan, Phòng Trọng tài hàng hải Paris, Hội đồng Trọng tài hàng hải Trung Quốc, Phòng Trọng tài hàng hải Singapore,…
Tuy nhiên, để áp dụng được phương thức này, các bên cần phải có thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp thương mại thông qua Trọng tài và thỏa thuận Trọng tài này không được vô hiệu.
Phương thức khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền
Bên cạnh việc khởi kiện tại Trọng tài, các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế bằng cách khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Tranh chấp mua bán hàng hóa quốc tế có thể được giải quyết tại Tòa án trong các trường hợp sau:
- Trường hợp các bên không thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc thỏa thuận đó vô hiệu thì tòa án có thẩm quyền giải quyết.
- Các bên thỏa thuận giải quyết bằng Trọng tài nhưng cơ quan Trọng tài đó đã chấm dứt hoạt động, Trọng tài viên từ chối giải quyết vụ việc mà không lựa chọn người thay thế.
- Quy tắc tố tụng được các bên lựa chọn khác với quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài được lựa chọn và trung tâm không cho phép áp dụng quy tắc của trung tâm khác.
- Người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài.
Trên đây là nội dung khái quát về phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về vấn đề phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty tư vấn chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty tư vấn chuyên về pháp luật kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Sở Hữu Trí Tuệ, Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những công ty luật cung cấp dịch vụ pháp lý tối ưu và hiệu quả đến Quý Khách hàng.
[1] Điều 3.1 Nghị định 22/2017/NĐ-CP.