Người Việt Nam định cư, sinh sống lâu dài ở nước ngoài (hay Việt Kiều) là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam luôn tạo điều kiện để Việt Kiều gìn giữ quan hệ gắn bó với cội nguồn và quê hương. Hệ thống pháp luật Việt Nam từ đó cũng được xây dựng và áp dụng không chỉ đối với công dân Việt Nam mà còn có người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Một vấn đề pháp lý thường được cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài quan tâm là quy định về lập di chúc cho Việt Kiều. Bài viết này phân tích các quy định về lập di chúc cho Việt Kiều theo pháp luật Việt Nam hiện hành.
Định nghĩa về Việt Kiều
Pháp luật Việt Nam không có thuật ngữ pháp lý nào định nghĩa về nhóm đối tượng là Việt Kiều. Mặc dù vậy, thuật ngữ “Việt Kiều” đã được sử dụng một cách phổ biến trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Theo cách hiểu chung nhất, Việt Kiều là thuật ngữ dùng để chỉ người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo Điều 3.3 và 3.4 Luật Quốc tịch 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Trong đó, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Các quy định có liên quan đến việc lập di chúc đối với Việt Kiều
2.1 Về năng lực lập di chúc
Theo các quy định về lập di chúc cho Việt Kiều, năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.
Đối với Việt Kiều là người thành niên, còn mang quốc tịch Việt Nam thì người đó có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình khi đáp ứng các điều kiện: minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép. Nếu người đó từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Pháp luật Việt Nam sẽ không được áp dụng khi xác định năng lực chủ thể lập di chúc của người không có quốc tịch Việt Nam cho dù việc lập di chúc được thực hiện tại Việt Nam. Ví dụ trong trường hợp Việt Kiều không còn giữ quốc tịch Việt Nam mà đã đổi sang quốc tịch Mỹ thì năng lực lập di chúc của người này sẽ được xác định theo pháp luật Mỹ.[1]
Có thể bạn quan tâm Phân Chia Tài Sản Không Có Di Chúc Ra Sao Dưới Góc Nhìn Luật Sư
Phân Chia Tài Sản Không Có Di Chúc Ra Sao Dưới Góc Nhìn Luật Sư
2.2 Về hình thức của di chúc
Căn cứ Điều 681.2 Bộ luật Dân sự 2015, hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây: (a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; (b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; (c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.
Như vậy, giả sử Việt Kiều lập di chúc tại Việt Nam thì dù người này đang giữ quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài, pháp luật điều chỉnh về hình thức di chúc cũng sẽ là pháp luật Việt Nam.
Quy định này là phù hợp vì vấn đề hình thức của di chúc nên được xem xét và công nhận trong bối cảnh lập di chúc và pháp luật của nước nơi lập di chúc để đảm bảo tính thực thi của di chúc đó.
Căn cứ vào các quy định về lập di chúc cho Việt Kiều, hình thức của di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Tuy nhiên, di chúc miệng chỉ được áp dụng trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Nếu sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ[2].
Về ngôn ngữ của di chúc, pháp luật hiện hành không có quy định cấm người Việt Nam được lập di chúc bằng tiếng nước ngoài. Do đó, Việt Kiều vẫn có thể lập di chúc bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi thực hiện thủ tục công bố di chúc, trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải được hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng hoặc chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật[3].
2.3 Nội dung của di chúc
Di chúc gồm các nội dung chủ yếu[4]:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
Ngoài các nội dung mà pháp luật có quy định, di chúc có thể có các nội dung khác.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân thủ các quy định về nội dung của di chúc như nêu ở trên thì mới được công nhận tính hiệu lực.
Trường hợp lập di chúc có yêu cầu người làm chứng, Việt Kiều cần lưu ý các vấn đề sau đây:
a) Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc;
b) Những người sau đây không được làm chứng:
(i) Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
(ii) Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
(iii) Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Có thể bạn quan tâm Đất Đã Bị Thu Hồi Và Đang Trong Quá Trình Bồi Thường Thì Làm Di Chúc Được Không?
Đất Đã Bị Thu Hồi Và Đang Trong Quá Trình Bồi Thường Thì Làm Di Chúc Được Không?
Cũng cần nói thêm, hiện nay, pháp luật Việt Nam không giới hạn quyền hưởng di sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặc dù vậy, đối với bất động sản, pháp luật Việt Nam quy định rõ về điều kiện và hình thức nhận thừa kế là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật, tuy nhiên, nếu người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì chỉ đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam mới được phép nhận thừa kế quyền sử dụng đất. Ngược lại, nếu không thuộc đối tượng được quy định trên thì chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.[5]
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến quy định về lập di chúc cho Việt Kiều mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 681.1 Bộ Luật Dân Sự 2015
[2] Điều 627, 629 Bộ Luật Dân Sự 2015
[3] Điều 647 Bộ Luật Dân Sự 2015
[4] Điều 631 Bộ Luật Dân Sự 2015
[5] Điều 179.1, Điều 186.1 Luật Đất đai 2013, Điều 8.1 Luật Nhà ở 2014