Công ty Luật Việt Nam – Phước & Cộng Sự

TRANH CHẤP VỀ QUYỀN THỪA KẾ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản từ người đã chết cho người còn sống. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật[1]. Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”) quy định hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết[2]. Chủ sở hữu hợp pháp tài sản có quyền lập di chúc để chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác. Trong khi đó, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định[3].

Trong phạm vi bài viết này, Phước và Các Cộng Sự phân tích một số tranh chấp về quyền thừa kế nhằm rút ra những điều cần lưu ý về quyền thừa kế như sau:

  1. Tranh chấp giữa người thừa kế theo di chúc và người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Theo Điều 644 BLDS, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Lưu ý rằng, trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc này không được áp dụng đối với những người từ chối nhận di sản hoặc những người không được quyền hưởng di sản[4].

Pháp luật dân sự quy định việc thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc này nhằm bảo vệ lợi ích của những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật nhưng không được phân chia di sản theo di chúc. Có thể nhận định quy định này phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống gia đình tốt đẹp của nước ta. Thế nhưng trong thực tiễn, ít nhiều tồn tại những khó khăn, thách thức nhất định khi thực hiện quy định này. Tiêu biểu nhất có thể kể đến thủ tục xác minh nhân thân của những người thừa kế không thuộc nội dung di chúc. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể gặp khó khăn trong việc xác định người thừa kế hợp pháp trong trường hợp cha, mẹ của người lập di chúc đã qua đời từ rất lâu, hoặc việc chứng minh “con thành niên mà không có khả năng lao động” cũng khiến những người yêu cầu xác minh tiêu tốn một khoản tiền giám định.

Ngoài ra, sự bất đồng quan điểm và ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích cá nhân giữa người thừa kế theo di chúc và người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc là một nguyên nhân phổ biến của tranh chấp về quyền thừa kế này. Khi cảm thấy quyền và lợi ích của mình bị đe dọa, đặc biệt liên quan đến vấn đề hưởng di sản thừa kế, người thừa kế theo di chúc có thể cảm thấy phần di sản mình được hưởng có thể bị ảnh hưởng, do đó họ không đồng ý hoặc xảy ra xung đột với các cá nhân hưởng thừa kế không theo di chúc.

Do đó, người lập di chúc nên xác định trước những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc tại thời điểm lập di chúc hoặc chuẩn bị các hồ sơ chứng minh cha, mẹ đã mất nhằm giảm bớt các thủ tục khi mở thừa kế về sau, cũng như thông báo cho những người thừa kế theo di chúc để giảm bớt các tranh chấp trong nội bộ không đáng có. Bên cạnh đó, khi giải quyết các tranh chấp về quyền thừa kế, Tòa án phải xác định tất cả những người thuộc diện thừa kế để tránh việc bỏ sót những người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.

  1. Tranh chấp về quyền thừa kế giữa người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật và những người không thuộc hàng thừa kế

Việc xác định chính xác hàng thừa kế là căn cứ quan trọng để phân chia di sản thừa kế theo pháp luật[5] bởi thực tế có trường hợp khi giải quyết tranh chấp thừa kế Tòa án xác định không đầy đủ người thuộc diện thừa kế làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người này. Điều này không chỉ quan trọng đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật mà còn có đóng góp to lớn trong trường hợp thừa kế theo di chúc khi di chúc bị Tòa án tuyên là không hợp pháp.

Cần lưu ý trường hợp một người có nhiều vợ trước ngày 13/01/1960 ở Miền Bắc, trước ngày 25/3/1977 ở Miền Nam, cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc (trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1975) lấy vợ khác mà sau không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật, thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại[6]. Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 có đủ điều kiện kết hôn nhưng chưa đăng ký kết hôn trước ngày 01/01/2003 và đang chung sống với nhau thì họ không được công nhận là vợ chồng[7].

Vì vậy, cần xác định rõ ràng thời điểm công nhận quan hệ vợ chồng từ đó xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và những người không thuộc hàng thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản.

Bên cạnh đó, cần xem xét tính hợp pháp của di chúc theo quy định tại Điều 630 BLDS, trường hợp di chúc không phù hợp với pháp luật thì không chấp nhận thừa kế theo di chúc mà phải chia thừa kế theo pháp luật. Trường hợp di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người để lại di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc, thì coi như không có di chúc và áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật[8].

  1. Tranh chấp giữa những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thừa kế thế vị

Thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ). Điều 652 BLDS quy định thừa kế thế vị là trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống, nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Thừa kế thế vị xét trên mối quan hệ huyết thống giữa người để lại di sản và người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là quan hệ cha con, mẹ con. Quyền thế vị của người cháu, người chắt của người để lại di sản dựa trên quan hệ huyết thống với người để lại di sản và quyền được thừa kế di sản của ông, bà khi cha, mẹ của cháu nếu còn sống thì được hưởng. Xét về quan hệ nuôi dưỡng, Điều 653 BLDS cũng quy định con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản quy định tại Điều 651 và Điều 652. Như vậy, điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị gồm:

Trên đây là nội dung khái quát về tranh chấp quyền thừa kế và những điều cần biết. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về lĩnh vực pháp lý liên quan đến tham gia tranh tụng tại tòa án, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 609 BLDS

[2] Điều 624 BLDS

[3] Điều 649 BLDS

[4] Điều 644 BLDS

[5] Mục 1.2.3 Phần II Hướng dẫn 24/HD-VKSTC ngày 12/05/2021

[6] Mục 4.a Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990

[7] Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001

[8] Điều 642 BLDS

Summary
Article Name
TRANH CHẤP VỀ QUYỀN THỪA KẾ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Description
Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản từ người đã chết cho người còn sống. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của