Trong bối cảnh tình trạng dịch viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV) đang diễn biến khó lường, các sản phẩm y tế liên quan đến phòng ngừa dịch bệnh do nhu cầu tăng cao nên ngày càng khan hiếm. Có khá nhiều gian thương đã lợi dụng tình trạng khẩn cấp trên để găm hàng, tăng giá sản phẩm. Vậy việc xử lý hành vi tăng giá bán các sản phẩm y tế, cụ thể là khẩu trang y tế, được xử lý như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Ngày 30/01/2020, sau khi Tổ Chức Y Tế Thế Giới công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do virus corona (nCoV), Việt Nam cũng ngay lập tức thông báo sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong nước. Chiều ngày 31/01, Bộ Y Tế và Bộ Tư Pháp đã tiến hành cuộc họp thảo luận về các vấn đề pháp lý trong tình huống công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh do virus corona (nCoV).
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh, cho biết việc công bố ”tình trạng khẩn cấp” do dịch bệnh là điều chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Trong các vấn đề cần thảo luận trong cuộc họp, vấn đề liên quan đến xử lý việc tăng giá bán khẩu trang y tế bất hợp lý cũng như đảm bảo nguồn cung cấp các thiết bị y tế nói chung, khẩu trang y tế nói riêng nhận được sự quan tâm rất lớn.
Cụ thể là ngay trong ngày 31/01/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã gửi công văn hỏa tốc số 149/TCQLTT-CNV gửi đến các Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về vấn đề liên quan đến việc tăng giá bán khẩu trang y tế bất hợp lý qua các hiện tượng như thu gom, tăng giá bán các thiết bị y tế bảo vệ sức khỏe trong việc phòng bệnh, trong đó chủ yếu là khẩu trang y tế, nước sát trùng và găng tay y tế.
Ngày 01/02/2020, Tổng cục tiếp tục ra Công văn số 156/TCQLTT-CNV về nội dung liên quan đến việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng chống dịch đồng thời nhắc lại một vấn nữa về việc xử lý nghiêm đúng theo quy định pháp luật về việc tăng giá bán khẩu trang y tế bất hợp lý trong bối cảnh lợi dụng dịch bệnh để kiếm lợi nhuận. Mức phạt được quy định tại điều 17 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, cụ thể như sau:
“Điều 17. Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.”
Đây là Nghị định đang được áp dụng để xử lý các nhà thuốc có hành vi nâng giá khẩu trang y tế lên gấp 6-7 lần so với mức giá thông thường. Ngoài ra, nếu bị phát hiện găm hàng, cụ thể là mặt hàng khẩu trang y tế trong đợt dịch bệnh do virus corona (nCoV) này, cơ sở vi phạm còn chịu mức phạt theo Khoản 3 Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên đến 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.
“Điều 47.3.Găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó mà hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.”
Ngoài ra nếu sự việc có tính chất nghiêm trọng, hậu quả ảnh hưởng đến cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh do virus corona (nCoV) thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự theo tội đầu cơ Điều 196 Bộ luật hình sự với hình phạt từ phạt tiền 30 triệu hoặc phạt tù lên đến 15 năm (đối với cá nhân) hoặc bị xử phạt từ 300 triệu đến 9 tỷ đồng (đối với tổ chức).
Về phía người tiêu dùng, đường dây nóng của các Cục Quản lý thị trường luôn sẵn sàng tiếp nhận các thông tin về người tiêu dùng để điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên theo tình hình hiện nay, Tổng cục Quản lý thị trường nên ban hành văn bản cụ thể về mức giá bất hợp lý của khẩu trang y tế cũng như tạo điều kiện cho các nhà sản xuất khẩu trang y tế thực hiện tốt công tác cung cấp khẩu trang y tế ra thị trường trong tình trạng dịch corona (nCoV) đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tải Công văn số 149/TCQLTT-CNV tại link: https://thuvienphapluat.vn/cong-van/the-thao-y-te/Cong-van-149-TCQLTT-CNV-2020-tang-cuong-phong-chong-dich-nCoV-433453.aspx.