Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, nhu cầu về tinh thần về tinh thần và vật chất của con người đang ngày càng trở nên cao hơn.
Đây là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của hoạt động sáng tác và sáng tạo. Và cùng với đó, nhu cầu bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến những hoạt động này cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong đó, việc bảo hộ âm thanh cũng không phải là ngoại lệ.
Bài viết sau đây sẽ trả lời cho câu hỏi “Âm thanh có được đăng ký bảo hộ hay không và điều kiện để bảo hộ âm thanh” theo pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, âm thanh có thể được bảo hộ dưới một trong các hình thức sau đây:
Bảo hộ quyền tác giả
Hiện nay, âm thanh có thể được bảo hộ theo quyền tác giả. Một người sáng tác một ca khúc, một giai điệu (gọi chung là tác phẩm âm nhạc) có thể được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả đối với ca khúc, giai điệu đó, và người khác không được sở hữu, sử dụng nếu không được sự đồng ý của chính tác giả. Tuy nhiên, bài hát, giai điệu đó muốn được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả thì phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Tác phẩm âm nhạc phải do chính tác giả sáng tác hoặc được chuyển quyền sở hữu từ tác giả của bài hát;
- Tác phẩm âm nhạc phải được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Nếu tác phẩm âm nhạc đó chỉ là ý tưởng trong đầu hay không được định hình lại thì pháp luật sẽ không bảo vệ; và
- Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc phát sinh từ thời điểm tác phẩm âm nhạc được định hình mà không phải đăng ký. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt hơn quyền tác giả, đồng thời giúp tác giả khai thác quyền ấy dễ dàng hơn, tác phẩm âm nhạc nên được đăng ký bảo hộ. Để đăng ký quyền tác giả cho bài hát, bạn cần soạn một bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả và gửi về Cục bản quyền tác giả. Hồ sơ gồm có:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu;
- 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả: 02 đĩa CD bản thu âm bài hát hoặc bản in trên Giấy A4 phần lời và phần nhạc có chữ ký và dấu của chủ sở hữu;
- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung; và
- Cam đoan của tác giả về việc bài hát được chính tác giả sáng tạo ra, không sao chép của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ.
Bảo vệ quyền liên quan
Ca sỹ, chủ cuộc biểu diễn có thể được pháp luật bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả đối với sự biểu diễn tác phẩm âm nhạc hoặc bản thu âm, thu hình của việc biểu diễn ấy.
Điều kiện bảo hộ: Các quyền liên quan trên được bảo hộ nếu không xâm phạm đến quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.
Theo quy định của pháp luật, quyền liên quan không cần đăng ký để được bảo hộ. Tuy nhiên, việc đăng ký quyền liên quan sẽ giúp những người nắm quyền này khai thác tốt hơn quyền của họ và bảo vệ quyền này khi xảy ra tranh chấp. Thủ tục đăng ký quyền liên quan tương tự như thủ tục đăng ký quyền tác giả.
Lưu ý: Hiện nay, âm thanh vẫn chưa được cho phép để sử dụng trong nhãn hiệu. Mặc dù một số nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ và sử dụng rộng rãi trên thế giới như: Tiếng gầm của sư tử mở đầu cho phim của hãng MGM (Hoa Kỳ), tiếng sấm rền của hãng môtô Harley – Davidson (Hoa Kỳ), tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa coi âm thanh là một phần của nhãn hiệu. Để được công nhận và bảo hộ, nhãn hiệu cần phải đáp ứng:
- Là dấu hiệu có thể nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc sự kết hợp của những yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; và
- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu với các hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu khác.
Do đó, pháp luật Việt Nam chỉ công nhận và bảo hộ đối với dấu hiệu có thể nhìn thấy, không bảo hộ đối với dấu hiệu chỉ có thể nghe hoặc ngửi thấy. Đây là lý do mà hiện nay, âm thanh chưa được bảo hộ nếu sử dụng trong nhãn hiệu. Tuy nhiên, với việc gia nhập ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế, đặc biệt gần đây là hiệp định thương mại tự do CTTPP, pháp luật Việt Nam sẽ sớm phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển chung của quốc tế mà pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng không là ngoại lệ. Do đó, chúng ta có thể hi vọng Việt Nam sẽ sớm chấp nhận việc bảo vệ âm thanh đối với nhãn hiệu.
Có thể bạn quan tâm
Nếu có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn về Thương hiệu, nhãn hiệu, vui lòng liên hệ chúng tôi: P & Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
P & Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật Tư vấn Thương hiệu, nhãn hiệu cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.
Xem dưới định dạng PDF