Việt Nam, trong những năm gần đây, đang dần trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn về đầu tư đối với các thương nhân nước ngoài. Ngoài việc lựa chọn thành lập mới doanh nghiệp hoặc tham gia hợp tác, góp vốn kinh doanh, một trong những hình thức phổ biến nhất mà các thuơng nhân nước ngoài thường sử dụng khi gia nhập vào thị trường Việt Nam chính là thành lập các Chi nhánh công ty. Bài viết Điều Kiện Cần Có Để Thành Lập Chi Nhánh Thương Nhân Nước Ngoài Năm 2024 sẽ cung cấp cho độc giả những điều kiện cần thiết để thành lập Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
-
Điều kiện về hình thức Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
Căn cứ theo Luật Thương mại 2005, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo đó, thời hạn của Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
-
Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
Để được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định được quy định trong Nghị định 07/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Các điều kiện này bao gồm:
2.1. Điều kiện về thành lập, đăng ký kinh doanh
Để được cấp Giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài phải đảm bảo rằng họ đã được thành lập và đăng ký kinh doanh hợp pháp theo quy định của pháp luật của những quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận. Việc tuân thủ quy định này nhằm đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch về quốc tịch của công ty của thương nhân nước ngoài, từ đó đảm bảo tính an toàn trong quá trình hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại Việt Nam.
2.2. Thời gian hoạt động tối thiểu
Thương nhân nước ngoài phải có ít nhất 05 năm hoạt động kinh doanh kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp tại quốc gia sở tại. Quy định này nhằm chứng minh sự ổn định của doanh nghiệp và đảm bảo rằng thương nhân có đủ kinh nghiệm và năng lực quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.
2.3. Thời hạn Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài
Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định về thời hạn hoạt động, thì thời hạn này phải còn ít nhất 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ đăng ký thành lập Chi nhánh tại Việt Nam. Quy định này nhằm xác định rằng thương nhân nước ngoài vẫn còn đủ điều kiện hoạt động theo pháp luật của quốc gia sở tại, từ đó đảm bảo việc hoạt động của Chi nhánh tại Việt Nam không bị gián đoạn bởi lý do thương nhân nước ngoài không còn đủ điều kiện hoạt động.
2.4. Nội dung hoạt động của Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Nội dung hoạt động của Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, hoạt động của Chi nhánh cũng phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài. Điều này giúp đảm bảo rằng Chi nhánh sẽ hoạt động đúng ngành, nghề kinh doanh mà thương nhân đã đăng ký, không xuất hiện trường hợp thành lập chi nhánh nhưng lại thực hiện hoạt động hoàn toàn khác biệt so với công ty mẹ.
2.5. Sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền
Trong trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành. Sự chấp thuận này nhằm đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh của chi nhánh sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
-
Một số hạn chế khi thành lập Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
3.1. Hạn chế pháp lý về việc thành lập chi nhánh tại Việt Nam
Mỗi thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, trong một số trường hợp, cơ quan cấp phép có thể không cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cho thương nhân nước ngoài nếu rơi vào một trong những lý do sau:
- Không đáp ứng một trong những điều kiện cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định 07/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
- Thương nhân nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh trong thời gian 02 năm, kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam bởi một trong các trường thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh theo quy định tại Nghị định 07/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
- Việc thành lập Chi nhánh bị hạn chế theo quy định của pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3.2. Hạn chế pháp lý đối với người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài khác;
- Người đứng đầu Văn phòng đại diện của cùng một thương nhân nước ngoài;
- Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
Việc thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật. Thương nhân nước ngoài cần đảm bảo các điều kiện mà pháp luật đã quy định trước khi thực hiện các thủ tục thành lập Chi nhánh tại Việt Nam. Nắm vững và tuân thủ các quy định này sẽ giúp thương nhân nước ngoài thực hiện các thủ tục đăng ký thành lập Chi nhánh dễ dàng và nhanh chóng, đồng thời giúp ích cho việc vận hành hoạt động của Chi nhánh tại Việt Nam trở nên hiệu quả hơn.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Điều Kiện Cần Có Để Thành Lập Chi Nhánh Thương Nhân Nước Ngoài Năm 2024 mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.