Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin về các vụ ồn ào tại trường quốc tế khi các trường này liên tục mắc nhiều sai phạm có liên quan đến tài chính và một số hoạt động quản lý khác. Gần đây nhất, Trường quốc tế Mỹ Việt Nam phát sinh nhiều khoản nợ từ “Hợp đồng đầu tư giáo dục” với phụ huynh học sinh. Trước diễn biến đó, nhiều phụ huynh bày tỏ quan ngại về sự giám sát không đầy đủ và thiếu sự kết nối giữa nhà trường và phụ huynh đối với các hoạt động nói chung cũng như tình hình tài chính nói riêng của nhà trường. Câu hỏi đặt ra là liệu pháp luật có nên chú trọng hơn nữa về các quy định đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh tại các trường quốc tế để tăng cường sự liên kết và đảm bảo một môi trường giáo dục an toàn, minh bạch hơn không? Đề tài này đã và đang thu hút sự quan tâm và tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn, với hy vọng tìm kiếm những giải pháp tích cực cho hệ thống giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
Cơ chế giám sát hoạt động quản lý tài chính tại các trường quốc tế
Hiện nay, các trường mang tên gọi “trường quốc tế” hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Theo Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BGDĐT (“Thông tư 40”) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông tư thục tự chủ về tài chính và chịu trách nhiệm về thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển, chịu thanh tra, kiểm tra từ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Điều 16.5 của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 40, các trường phổ thông tư thục hằng năm phải công khai tài chính và lập báo cáo tài chính gửi cơ quan quản lý ngành, cơ quan tài chính và cơ quan thuế; chấp hành đúng quy định về huy động và sử dụng vốn, thu chi; chấp hành việc kiểm tra của cơ quan tài chính về việc sử dụng kinh phí, tăng, giảm nguồn vốn của trường. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và Tổng cục thuế có trách nhiệm phối hợp và quản lý về tình hình tài chính thực tế của nhà trường. Cơ quan Thanh tra có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra sổ sách kế toán và tình hình hoạt động của nhà trường định kỳ hoặc đột xuất nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, phòng ngừa và xử lý vi phạm (theo Quyết định số 1489/QĐ-BGDĐT).
Song, với số lượng trường quốc tế ngày càng tăng như hiện nay, cộng thêm sự biến tướng trong hoạt động sử dụng vốn của các đơn vị này, các cơ quan quản lý chuyên ngành đang phải đối mặt với những thách thức trong việc kiểm tra và giám sát hoạt động của nhà trường. Do nguồn lực còn hạn chế và công tác quản lý không được triển khai chặt chẽ, các trường quốc tế đã có nhiều sai phạm và vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý phức tạp trong thời gian qua. Hiện nay, bên cạnh sự thanh tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Việt Nam cũng đã có ghi nhận về sự tham gia của phụ huynh trong công tác quản lý tại trường học. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề chưa thực sự đạt được mục tiêu thực tế như mong đợi.
Không có vai trò thực chất của Ban đại diện cha mẹ học sinh?
Theo Điều 2 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh (thường gọi là Hội phụ huynh) được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục. Mỗi lớp và mỗi trường đều có một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm trưởng ban, các phó trưởng ban và các thành viên thường trực (nếu cần thiết).
Pháp luật đã quy định về nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh, ví dụ như phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học; hướng dẫn, tuyên truyền, chủ trương chính sách về giáo dục; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, bồi dưỡng, giáo dục cho học sinh. Có thể thấy rằng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội phụ huynh được pháp luật quy định tương đối rõ ràng nhưng chỉ giới hạn trong công tác quản lý về vấn đề giáo dục của học sinh. Hiện nay, Hội phụ huynh không được phép tham gia vào hoạt động quản lý, đặc biệt là các vấn đề về tài chính, sử dụng vốn và thu, chi của nhà trường. Tại đa số các hệ thống giáo dục trên thế giới, vai trò của Hội Phụ huynh-Giáo viên (tạm dịch từ Parent-Teacher Association) tuy được chú trọng hơn nhưng vẫn xoay quanh các vấn đề về hoạt động tình nguyện, giáo dục và gây quỹ.
Nhìn lại thực tiễn tại Việt Nam, vai trò của Hội phụ huynh chưa được đánh giá cao. Hội phụ huynh chỉ đóng vai trò là cầu nối giữa phụ huynh học sinh và nhà trường, không có quyền can thiệp sâu hơn đến chính sách và tình hình tài chính của nhà trường. Kết quả là nhiều phụ huynh không được thông tin hoặc không kịp thời cập nhật được các vấn đề tài chính quan trọng của nhà trường, đến khi phát hiện thì không còn khả năng khắc phục được, nhất là khi nhà trường có xu hướng thu chi không minh bạch và đối mặt với tình trạng nợ nần, phá sản. Đơn cử như trong vụ việc tại Trường quốc tế Chồi xanh, hơn 20 phụ huynh ngỡ ngàng khi nhận được thông báo đóng cửa từ nhà trường trong khi họ đã đóng học phí và học sinh đang cận kề ngày khai giảng. Trong vụ việc của Trường quốc tế Mỹ Việt Nam, nhiều phụ huynh đã nhiều năm “đòi nợ” nhà trường từ việc ký kết Hợp đồng đầu tư giáo dục với điều khoản cho con đi học miễn phí tại trường, song không có bất cứ cơ chế nào để phụ huynh theo dõi được tình hình thanh toán “khoản vay” trên, từ đó dẫn đến phát sinh tranh chấp và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của phụ huynh và học sinh.
Có nên mở rộng phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của Hội phụ huynh?
Từ những thực trạng trên, việc xem xét mở rộng vai trò của Hội phụ huynh đối với hoạt động giáo dục tại nhà trường có thể xem là giải pháp cần thiết. Hội phụ huynh nên được thành lập và có cơ chế hoạt động riêng để họ được trực tiếp đóng góp vào quá trình quản lý của nhà trường, từ việc đặt ra mục tiêu giáo dục, nhân sự, đến đánh giá cách phân bổ nguồn kinh phí thông qua cơ chế biểu quyết. Bằng cách này, phụ huynh không chỉ có cơ hội kịp thời cập nhật thông tin liên quan đến tình hình tài chính của nhà trường mà còn tránh được những thiệt hại không mong muốn khi nhà trường đối mặt với khó khăn đột ngột về tài chính. Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Châu Âu và Châu Mỹ, ngoài các quy định pháp luật có liên quan, các trường phổ thông tư thục sẽ trực tiếp ban hành chính sách áp dụng riêng cho Hội phụ huynh (thường gọi là Quy tắc và Hướng dẫn cho Hội Phụ huynh-Giáo viên). Chính sách này chi tiết hóa phạm vi trách nhiệm, quyền hạn, quy trình biểu quyết của Hội phụ huynh. Về phía nhà trường, đây sẽ là cơ chế quan trọng để phần nào ngăn ngừa sự lạm dụng, chiếm dụng vốn cho các mục đích thiếu minh bạch của nhà trường. Nếu phương án này được thực thi, các cơ quan Nhà nước chuyên ngành có thể giảm bớt phần nào gánh nặng trong việc thanh kiểm tra và xử lý các vấn đề về tài chính và tranh chấp với phụ huynh, tránh xảy ra tình trạng sự việc diễn ra rồi mới tìm cách để “chữa cháy”.
Tuy nhiên, việc cho phép Hội phụ huynh can thiệp vào hoạt động tài chính của nhà trường có thể sẽ tồn tại một số bất cập. Sự tham gia của Hội phụ huynh có thể làm mất đi tính chủ động và làm chậm quá trình ra quyết định của nhà trường, nhất là khi giải quyết các tình huống khẩn cấp. Hơn thế nữa, ý kiến và quan điểm của nhiều thành viên trong Hội phụ huynh sẽ dẫn đến khó khăn nhất định để các bên đạt được sự thống nhất hoặc khả năng cao sẽ xuất hiện ưu tiên lợi ích nhóm trước lợi ích chung của tập thể học sinh và nhà trường. Các quyết định của nhà trường có thể bị ảnh hưởng bởi ý kiến áp đặt từ Hội phụ huynh, làm giảm khả năng của nhà trường trong việc theo đuổi các chiến lược giáo dục độc lập và riêng biệt.
Do đó, để Đại diện Hội phụ huynh tham gia vào công tác quản lý tại nhà trường một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo được tính khách quan, thiết nghĩ cần có sự thay đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm tối ưu hoá vai trò của Đại diện Hội phụ huynh. Việc cho phép Hội phụ huynh được giám sát, đóng góp ý kiến và đưa ra quyết định đối với một số hoạt động thu chi của nhà trường sẽ là phương án hiệu quả nhằm giúp đạt được sự liên kết chặt chẽ từ phụ huynh, học sinh và nhà trường trong công tác quản lý. Tuy nhiên, phụ huynh tham gia vào Hội phụ huynh cần thực hiện cam kết khách quan và tuân thủ các trách nhiệm và mục tiêu đã đề ra, không được lạm dụng quyền lực và câu kết lợi ích nhóm trong quá trình hoạt động để đảm bảo quá trình quản lý diễn ra minh bạch và công bằng.