Tài sản hình thành trong tương lai là một chủ đề thú vị và quan trọng khi nói về tích luỹ tài sản. Khái niệm này đề cập đến những giá trị và tài sản mà ta kỳ vọng sẽ xuất hiện và tích luỹ trong tương lai, thường là dựa trên các quyết định và hoạt động của ta hiện tại. Mặt khác, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là một phương thức sử dụng tài sản dự kiến trong tương lai để đảm bảo khoản vay hoặc tài trợ tài chính. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm này và xem xét các ví dụ cụ thể về tài sản hình thành trong tương lai, và cũng như các điều kiện thế chấp tài sản trong tương lai.
Tài sản hình thành trong tương lai là gì?
Thuật ngữ tài sản hình thành trong tương lai đã được đề cập tại Nghị định số 165/1999/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, cụ thể “Tài sản hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản hình thành sau thời điểm ký kết giao dịch bảo đảm và sẽ thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm như hoa lợi, lợi tức, tài sản hình thành từ vốn vay, công trình đang xây dựng các tài sản khác mà bên bảo đảm có quyền nhận”. Cho tới ngày nay thuật ngữ này được định nghĩa trong Bộ luật dân sự năm 2015.
Tài sản hình thành trong tương lai khác tài sản hiện có ở 2 yếu tố:
- Tài sản hiện chưa hình thành;
- Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.
Lưu ý: Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất. Bởi vì quyền sử dụng đất chỉ được hình thành khi phần đất đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng này mới chuyển giao từ chủ thể cũ sang mới. Đây được coi là một ngoại lệ của tài sản hình thành trong tương lai.
Căn cứ theo tính chất vật lý của tài sản, có thể phân loại thành tài sản hình thành trong tương lai hữu hình và vô hình.
- Tài sản hình thành trong tương lai vô hình là những tài sản không thể hiện dưới những hình thức mà con người có thể cảm giác được, ví dụ như quyền, sản phẩm trí tuệ,…..
- Tài sản hình thành trong tương lai hữu hình là những loại tài sản được thể hiện dưới hình thức vật chất rõ ràng, con người có thể nắm, cầm,…ví dụ như nhà, tàu thuyền hình thành trong tương lai,…
Căn cứ theo trạng thái của tài sản có thể phân loại thành tài sản hình thành trong tương lai là động sản hoặc bất động sản.
Căn cứ theo thủ tục của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có thể phân loại thành tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và không phải đăng ký quyền sở hữu.
Điều kiện thế chấp tài sản hình thành trong tương lai gồm những gì?
Tài sản hình thành trong tương lai cũng có giá trị như tài sản hiện có, được coi là tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, trong đó có hình thức thế chấp. Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
Trong giao dịch bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai, khi bên thế chấp không thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết, bên nhận bảo đảm sẽ có quyền xử lý đối với tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Việc xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai thực hiện theo thỏa thuận của các bên.
Đối với loại tài sản đặc biệt như bất động sản (“BĐS”), điều kiện thế chấp đối với BĐS được hình thành trong tương lai được điều chỉnh bởi Luật nhà ở 2014. Lưu ý, việc thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện theo quy định tại Luật Nhà ở 2014. Trong đó, điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được quy định như sau:
- Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài điều kiện quy định ở trên, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp theo quy định trên;
- Trường hợp tổ chức, cá nhân thế chấp nhà thì phải có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, Giấy phép xây dựng nếu thuộc diện phải có Giấy phép xây dựng.
Trường hợp người thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai mua nhà ở của chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở ký kết với chủ đầu tư, có văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở nếu là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định, có giấy tờ chứng minh đã đóng tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng mua bán và không thuộc diện đang có khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở hoặc về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở này.
Đối với trường hợp mua bán nhà ở thương mại hình thành trong tương lai thì phải có đáp ứng các điều kiện sau:
- Trường hợp ký hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai mà thu tiền trả trước của người mua, thuê, thuê mua nhà ở (theo hợp đồng mua bán, cho thuế, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai) thì phải tuân thủ các điều kiện và hình thức mua, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp có thế chấp dự án đầu tư xây dựng hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải gửi kèm theo giấy tờ chứng minh đã giải chấp hoặc biên bản thống nhất của bên mua, bên thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán, thuê mua nhà ở đó; trường hợp không có thế chấp dự án hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải ghi rõ cam kết chịu trách nhiệm trong văn bản gửi Sở Xây dựng.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư, Sở Xây dựng phải kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ có đủ giấy tờ theo quy định tại điểm này thì Sở Xây dựng phải có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua gửi chủ đầu tư; nếu hồ sơ chưa có đủ giấy tờ theo quy định thì phải có văn bản nêu rõ lý do.
- Trường hợp chủ đầu tư đã gửi hồ sơ nhưng quá thời hạn quy định tại điểm này mà Sở Xây dựng không có văn bản thông báo và nhà ở đó đã đủ điều kiện được bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư được quyền ký hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai nhưng phải chịu trách nhiệm về việc bán, cho thuê mua nhà ở này; Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm về việc thông báo hoặc không có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư.
- Trường hợp sau khi Sở Xây dựng có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhưng chủ đầu tư không bán, cho thuê mua mà thực hiện thế chấp nhà ở này thì việc bán, cho thuê mua nhà ở này sau khi thế chấp chỉ được thực hiện khi có đủ điều kiện và có văn bản thông báo của Sở Xây dựng theo quy định tại điểm này;
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Tài sản hình thành trong tương lai là gì? Điều kiện thế chấp tài sản hình thành trong tương lai? mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.