(Trần Thanh Phương – Phuoc & Partners)
Dân gian có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để răn dạy mọi người phải cẩn ngôn khi bất đồng ý kiến hay mâu thuẫn với người khác. Trước khi Internet ra đời, khi có mâu thuẫn, một số người giải quyết bằng dùng lời nói trực tiếp để công kích, miệt thị, chửi bới vào mặt đối phương hoặc gián tiếp nói những điều không hay về đối phương đến cá nhân khác nhằm hạ uy tín hay làm nhục đối phương. Ngày nay, với nền tảng công nghệ hiện đại và Internet, mâu thuẫn trên đã và đang được giải quyết bằng cách đăng lên mạng xã hội như đăng bài trên Facebook, Zalo, hay livestream để kể lể, nói xấu, buộc tội người khác. Việc giải quyết mâu thuẫn trực tuyến có quy mô lớn, ai cũng có thể vào xem và bình luận, phát tán câu chuyện, “cái xấu” của người khác công khai hơn.
Việc livestream để truyền tải nội dung tích cực hiện luôn được khuyến khích trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng và quyết định hạn chế tiếp xúc của Chính phủ. Tuy nhiên, vì livestream mang tính chủ quan của người truyền tải và khó để cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý và kiểm soát được nội dung sẽ được chia sẻ, nên vì thế nội dung tiêu cực cũng được chia sẻ rộng rãi và phổ biến qua hình thức này.
Thời gian qua, mạng xã hội dậy sóng với trường hợp cá nhân A liên tục livestream công khai tiết lộ thông tin và sự việc liên quan đến cá nhân B, thu hút nhiều người theo dõi. Sau khi thông tin được chia sẻ, cộng đồng mạng bị cuốn vào vòng xoáy tranh luận gay gắt để giải đáp thắc mắc liệu thông tin là thật hay chỉ là bịa đặt, cá nhân B bị chỉ trích khắp mạng xã hội và cơ quan Nhà nước cũng vào cuộc. Cụ thể, vào ngày 28/05/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT về tăng cường quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội đối với hành vi livestream và hành vi đăng tải thông tin khác sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân khác.
Chúng ta thường xem Internet và mạng xã hội như một xã hội ảo thu nhỏ, nhưng thật ra tác động của hình thức này lên xã hội là thật, bao gồm thiệt hại thật mà nạn nhân phải chịu và trách nhiệm thực tế mà người gây ra phải chịu. Hành vi livestream để công kích, nói xấu người khác trên mạng xã hội có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật không, và nếu có, thì trách nhiệm tới đâu, là câu hỏi được “cư dân mạng” quan tâm.
Livestream để công kích, nói xấu dưới góc nhìn pháp lý
Livestream, tạm dịch là phát sóng trực tiếp, hiện được nhiều người hiểu là truyền phát hình ảnh, âm thanh, tiếng nói theo thời gian thực thông qua Internet, mà có thể chia sẻ được với nhiều người khác cùng lúc, và người xem có thể bình luận, tiếp tục chia sẻ nội dung thông tin cho nhiều người khác. Hiện nay, pháp luật chưa tạo ra hành lang pháp lý riêng cho livestream trên mạng xã hội, mà chỉ quy định chung theo ngành, nghề, lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin, an ninh mạng, báo chí, văn hóa, thương mại điện tử. Do vậy, đối với việc livestream công kích và nói xấu người khác trên mạng xã hội, có thể nhìn nhận dưới góc độ pháp lý một cách cơ bản là việc công kích, nói xấu người khác bằng cách sản xuất, truyền đưa, lưu trữ và trao đổi thông tin bằng âm thanh, tiếng nói, hình ảnh, chữ viết trên Internet.
Nhà nước bảo hộ gì với danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân
Quyền tự do ngôn luận là quyền con người được Việt Nam tuyên bố bảo hộ ngay trong Hiến pháp 2013. Mặt khác, Hiến pháp 2013 cũng bảo hộ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân, không cho phép xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín công dân. Như vậy, công dân có quyền tự do ngôn luận, nhưng phải thực hiện quyền tự do ngôn luận trong giới hạn không xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín người khác.
Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định:“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”[1]. Bênh cạnh đó, pháp luật về thông tin truyền thông và an ninh mạng cũng thể hiện thái độ cứng rắn trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín công dân khi nghiêm cấm hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, sử dụng thông tin trên Internet nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín công dân[2].
Ngoài ra, khi công kích, nói xấu người khác trên mạng xã hội, nếu người thực hiện hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ như hình ảnh; thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác được bảo đảm an toàn và bí mật của cá nhân người bị công kích, nói xấu thì được xem là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, từ luật cơ bản là Hiến pháp 2013 (Điều 21), Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 34, Điều 38) cho đến các luật chuyên ngành về thông tin truyền thông như Luật Công nghệ thông tin 2006 (Điều 72), Luật Viễn thông 2009 (Điều 6.3, Điều 16).
Tuy nhiên, các thuật ngữ pháp lý như “xúc phạm”, “danh dự”, “nhân phẩm”, “uy tín” hiện không được định nghĩa, giải thích chi tiết trong các văn bản pháp luật nào khác. Việc nhận định một hành vi được xem là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác tùy thuộc vào cơ quan Nhà nước và Tòa án trên cơ sở vốn sống, hiểu biết của cá nhân có thẩm quyền. Qua tham khảo một số bản án hình sự về tội làm nhục người khác và tội vu khống trên trang thông tin điện tử công bố bản án của Tòa án, dường như các cơ quan xét xử không có ý định giải thích, định nghĩa các thuật ngữ này mà chỉ xem xét hành vi khách quan đã được thực hiện, mục đích của người thực hiện, yêu cầu và thiệt hại của người bị hại và khách thể bị xâm phạm. Vì vậy, khi có tranh chấp xảy ra, cơ quan Nhà nước thường lúng túng trong việc xác định hành vi vi phạm, mức độ vi phạm và thiệt hại mà người bị xâm phạm phải chịu.
Biện pháp yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý người xâm phạm
Thứ nhất, trong lĩnh vực dân sự, cá nhân nào bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo pháp luật dân sự. Do vậy, khi bị người livestream công kích và nói xấu trên mạng xã hội, người bị xâm hại có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin công kích, nói xấu đồng thời có thể yêu cầu Tòa án buộc người đó xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại[3]. Khi yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền dân sự hợp pháp, người bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án cho giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hoặc Tòa án có thể chủ động trưng cầu giám định để xác định thiệt hại. Kết luận giám định có ý nghĩa quan trọng với người bị xâm phạm để xác định hành vi xâm phạm và thiệt hại thực tế xảy ra.
Thứ hai, trong lĩnh vực hành chính, người nào có hành vi livestream công kích và nói xấu người khác trên mạng xã hội khi sử dụng trang thông tin điện tử như sau: “Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, bị xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, và bị buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Thứ ba, trong lĩnh vực hình sự, pháp luật hình sự có đề cập đến hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác và có thể cấu thành tội phạm như sau:
- Đầu tiên là tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, hành vi một người làm nhục người khác cấu thành bởi bất kỳ phương thức, phương tiện nào để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, ví dụ, đăng, phát ảnh “chế”, video cắt, ghép, chỉnh sửa hình ảnh người bị xúc phạm v.v. Người phạm tội có thể bị cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu người phạm tội sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội hoặc phạm tội từ 02 lần trở lên bị phạt tù tăng nặng từ 03 tháng đến 02 năm[4].
- Tiếp theo là tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều mà mình biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp người khác thì có thể cấu thành tội vu khống. Mặc dù không có định nghĩa với thuật ngữ “bịa đặt”, nhưng dựa vào hành vi “loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật”, mà có thể hiểu rằng “bịa đặt” là hành vi nào như nói, viết, đăng, phát điều sai sự thật, thông tin về một người không có trên thực tế nhưng đã nói, viết, đăng, phát trên mạng xã hội là thật, hoặc thông tin có thật về một người nhưng được nói, viết, đăng, phát ra là không có thật. Hành vi “loan truyền điều biết rõ là sai sự thật” có thể được hiểu là người nào dù không tham gia bịa đặt thông tin nhưng lại tiếp tay người bịa đặt qua việc tích cực loan truyền, phát tán thông tin bịa đặt. Để hội đủ yếu tố cấu thành tội vu khống, cả hai hành vi phải nhằm mục đích xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Để nhận định thực tế là có hành vi trên, cơ quan điều tra hoặc Tòa án thường trưng cầu giám định tư pháp để có nhận định đối với hành vi vu khống trên cơ sở kết luận của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Như được phân tích, kết luận của cơ quan giám định có được khi cá nhân bị xâm phạm sử dụng phương thức dân sự để bảo vệ chính mình là tài liệu hỗ trợ cho việc yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cần lưu ý, người phạm tội vu khống chỉ có thể bị khởi tố nếu có yêu cầu của người bị hại; nếu người bị hại đã yêu cầu khởi tố rút lại yêu cầu thì cơ quan Nhà nước sẽ đình chỉ vụ án và người bị hại cũng không được quyền yêu cầu khởi tố lại. Tuy nhiên, nếu người phạm tội vu khống mà lại có các tình tiết tăng nặng (như vi phạm có tổ chức; đối với 02 người trở lên; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội v.v.), thì cơ quan Nhà nước có quyền khởi tố vụ án hình sự mà không cần người bị hại có yêu cầu.
- Bên cạnh đó, vì việc đưa thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân là hành vi bị cấm theo Điều 12 Luật Công nghệ thông tin 2006, Điều 12 Luật Viễn thông 2009, Điều 8.1(d) Luật An ninh mạng 2018 nên nếu không hội đủ yếu tố để cấu thành tội vu khống, người có hành vi đưa thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin trái quy định, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Thiệt hại định tính như giảm uy tín người bị xâm phạm là vấn đề khó có thể xác định chính xác vì chưa có quy định nào xác định nội hàm về uy tín một cá nhân. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, Tòa án có thể đánh giá và nhận định là có hay không có uy tín đối với một cá nhân bị giảm do hành vi vi phạm, ví dụ, một cá nhân được nhiều người yêu thích, từ đó được một doanh nghiệp thuê làm đại sứ thương hiệu, hoặc truyền tải sản phẩm quảng cáo cho doanh nghiệp đó, nhưng vì lý do hành vi đưa thông tin trái phép người khác trên mạng xã hội, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp bị người tiêu dùng tẩy chay hoặc cá nhân đó bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng đại sứ, quảng cáo, thì có thể nhận định uy tín cá nhân đã bị xâm phạm và bị sụt giảm vì tội phạm. Đối với loại tội phạm này, cơ quan Nhà nước có quyền khởi tố vụ án hình sự mà không cần người bị hại yêu cầu.
Cá nhân tự bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình bằng cách nào
Dân gian có câu “Hùm chết để da, người chết để tiếng”. Trong xã hội, danh tiếng, tên tuổi là một “địa hạt” có tầm quan trọng không chỉ ở hiện tại mà còn tương lai nhiều thế hệ. Do vậy, muốn bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân cũng như sự văn minh trong ứng xử trên mạng xã hội, việc ngăn chặn, loại bỏ công kích, nói xấu trên mạng xã hội là quan trọng và cần thiết. Vì vậy, trước khi đăng thông tin trên nền tảng mạng xã hội thì cần tỉnh táo, cần chọn lọc nội dung, từ ngữ phù hợp trước khi phát ngôn hay viết bài để không lạm dụng quyền tự do ngôn luận không kiểm soát mà có thể vi phạm pháp luật và bị chế tài.
Đối với cá nhân bị người khác công kích, nói xấu trên mạng xã hội, dù pháp luật chưa quy định cụ thể phương thức để cá nhân thực hiện bảo vệ quyền của mình trước hành vi xâm phạm danh dự, uy tín từ hoạt động livestream, trừ một số lĩnh vực chuyên ngành như sở hữu trí tuệ, thay vào đó, quy định pháp luật chỉ đưa ra nguyên tắc chung cho cá nhân tự bảo vệ quyền của mình chẳng hạn như cá nhân tự yêu cầu người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Cũng cần lưu ý, khi tự mình phản ứng với người xâm phạm bằng biện pháp như livestream công kích, đáp trả lại, thuê đại lý truyền thông thực hiện “chiến dịch giải cứu truyền thông”, “xử lý khủng hoảng” v.v cần cẩn trọng lời nói, chú ý câu chữ đối đáp để tránh biến mình từ nạn nhân thành người đi xâm phạm.
Hơn nữa, khi cá nhân phát hiện có hành vi công kích và nói xấu mình trên mạng xã hội thì nên lập tức báo cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng để họ xem xét, xử lý nhằm ngăn chặn sự phát tán, loan truyền và loại bỏ thông tin đó. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, phòng chuyên trách của Công an cấp tỉnh hoặc Bộ/Sở Thông tin và Truyền thông là lực lượng phù hợp để người bị xâm phạm trình báo và yêu cầu xử lý thông tin xâm phạm. Nếu thực hiện các biện pháp trên chưa hiệu quả, người bị xâm phạm có thể khởi kiện yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình như phân tích bên trên.
Tóm lại, livestream công kích và nói xấu người khác trên mạng xã hội có thể được nhận định là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm của con người và có thể chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc thậm chí là hình sự như phân tích ở trên. Khi trình báo với cơ quan Nhà nước, người bị xúc phạm cần lưu ý đến tội vu khống nếu như người bị xúc phạm bịa đặt chuyện người khác phạm tội và tố cáo trước cơ quan Nhà nước để tránh trường hợp vì quá bức xúc, thiếu hiểu biết pháp luật mà lại trình báo không đúng, đề nghị cơ quan Nhà nước xử lý mạnh tay, đặt ra nhiều hình phạt cho người xâm phạm. Việc này có thể mang tác dụng ngược, chính người bị hại có thể bị tố ngược về tội vu khống. Giải pháp phù hợp chính là trình báo hành vi, sự kiện thực tế kèm theo giấy tờ, tài liệu chứng minh đến lực lượng chuyên trách tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng, điều tra, truy tố, xét xử người vi phạm theo Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính đối với người vi phạm. Từ kết quả xử lý của lực lượng chuyên trách, người bị xâm phạm có thể tiến hành khởi kiện để yêu cầu bác bỏ thông tin sai sự thật, cải chính, công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại.
[1] Điều 34.1 Bộ luật Dân sự 2015.
[2] Điều 12.2(d) Luật Công nghệ thông tin 2006, Điều 12.4 Luật Viễn thông 2009 và Điều 8.1(d) Luật An ninh mạng 2018.
[3] Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015.
[4] Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.