Công ty Luật Việt Nam – Phước & Cộng Sự

LY HÔN VÀ CÂU CHUYỆN PHÂN CHIA TÀI SẢN: VẪN LÀ ĐỀ TÀI NÓNG

Trong vài năm trở lại đây, các câu chuyện xoay quanh vấn đề ly hôn và tranh chấp tài sản lên đến con số hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng giữa những cặp đôi nổi tiếng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận và chưa bao giờ giảm sức nóng. Gần đây nhất có thể kể đến cuộc chiến tranh chấp tài sản tại Việt Nam giữa cựu người mẫu T và doanh nhân Việt kiều A. Dẫu biết rằng ly hôn là câu chuyện tế nhị của riêng hai người và cần được tôn trọng, song, vấn đề phân chia tài sản khi ly hôn lại là một khía cạnh thu hút sự quan tâm từ dư luận, đặc biệt khi đó là khối tài sản có giá trị khủng.

Theo thông tin được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông, ông A và bà T đã kết hôn vào năm 2006 và ly hôn vào năm 2008. Đến năm 2010, ông A khởi kiện bà A tại Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề về xác định quyền sở hữu đối với những tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, buộc bà T phải hoàn trả các tài sản tranh chấp này. Thêm vào đó, ông A cũng cho biết rằng sau khi họ ly hôn, ông vẫn tiếp tục chuyển tiền cho bà T để mua thêm một số bất động sản tại Việt Nam. Ông A lập luận rằng các tài sản do bà T đứng tên thực tế là tài sản riêng của ông, do được mua bằng tiền của ông. Ngược lại, bà T cho rằng các tài sản này là tài sản chung hợp pháp và đã hình thành trong thời kỳ hôn nhân, vì vậy cần phải được chia đều cho cả hai. Đối với các khoản tiền ông A khẳng định đã chuyển cho bà T sau hôn nhân, bà T đề nghị Tòa án yêu cầu ông A cung cấp bằng chứng theo đúng quy định.

Trong nội dung bài viết này, tác giả tập trung vào phân tích những vấn đề liên quan đến việc phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân và các tranh chấp về tài sản sau khi kết thúc mối quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mục tiêu của bài viết là giúp độc giả hiểu rõ hơn về các cơ sở pháp lý được áp dụng để giải quyết vụ việc được đề cập, vì đó có thể là bài học kinh nghiệm cho nhiều trường hợp tương tự.

(Nguồn ảnh: media.doisongphapluat.com)

Đối với tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình (LHNGĐ) và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), để xét xử vụ án, một trong những vấn đề quan trọng là phải xác định xem tài sản đang tranh chấp có phải là tài sản chung hay tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân của ông A và bà T.

Theo quy định tại Điều 27 của LHNGĐ 2000 (có hiệu lực vào thời điểm quan hệ hôn nhân giữa ông A và bà T còn tồn tại), tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;… và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. LHNGĐ cũng quy định rõ ràng về quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, và tài sản chung này thuộc sở hữu chung hợp nhất. Dựa trên thông tin về vụ án, ông A và bà T không có thỏa thuận cụ thể về tài sản chung. Vì vậy, các tài sản tranh chấp, bao gồm cả bất động sản tại Việt Nam, mà bà T sở hữu được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân có thể được xem xét là tài sản chung căn cứ theo quy định trên.

Trên thực tế, trong quá trình hôn nhân, các cặp vợ chồng ít khi suy nghĩ về việc tạo và bảo quản chứng cứ để tách biệt tài sản riêng trong khối tài sản chung của vợ chồng. Do đó, khi có tranh chấp và được yêu cầu phải cung cấp chứng cứ để chứng minh quyền lợi của mình, việc chứng minh này là không hề dễ dàng. Theo nguyên tắc suy đoán pháp lý của quy định này, nếu ông A không đưa ra được các chứng cứ chứng minh rằng tài sản tranh chấp là tài sản riêng của mình thì Tòa án sẽ xem xét và xác định tài sản tranh chấp là tài sản chung.

Tại điểm b, Mục 3 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của LHNGD, quy định cụ thể về việc giải quyết trường hợp có tranh chấp tài sản như sau:

(Nguồn ảnh: cdn.lawnet.vn)

Đối với tài sản được tạo lập sau thời kỳ hôn nhân

Trường hợp các bên nhận thấy tài sản tranh chấp phát sinh sau thời kỳ hôn nhân là sở hữu hợp pháp của mình có quyền kiện đòi lại tài sản và buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho mình. Do quan hệ hôn nhân không còn tồn tại, việc xác định tài sản chung hay tài sản riêng sẽ được căn cứ và các quy định của pháp luật dân sự và thoả thuận giữa các bên. Trong vụ việc của ông A và bà T, giả định rằng không có bất cứ tài liệu nào về việc ông A và bà T thoả thuận rằng ông A sẽ chuyển tiền sho bà T để bà T mua nhà và dứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu thay cho ông A, khả năng cao là các tài sản được mua sau khi ông A và bà T ly hôn sẽ thuộc quyền sở hữu riêng của bà T. Việc ông A chuyển tiền cho bà T để mua nhà có thể được xem xét là quan hệ vay mượn hoặc cho tặng, tuỳ theo quan điểm của người xét xử. Nếu việc chuyển tiền mua nhà này được xem là quan hệ vay mượn, bà T sẽ phải hoàn lại tiền cho ông A.

Các bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với các vụ ly hôn và tranh chấp tài sản không chỉ ảnh hưởng đến các bên liên quan mà còn là bài học hữu ích về sự quan trọng và cần thiết của việc thiết lập thỏa thuận về tài sản trong giai đoạn hôn nhân, nhằm bảo đảm quyền lợi của các bên khi “cơm không lành canh không ngọt”. Thỏa thuận về tài sản trong giai đoạn hôn nhân còn giúp cho các bên tránh khỏi các thủ tục tố tụng kéo dài, vừa gây mệt mỏi vừa làm tốn kém cho cả hai bên.

(Nguồn ảnh: accgroup.vn)