Công Ty LuậtPhước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Tại Sao VCPMC lại được phép yêu cầu BlackPink cấm diễn tại Hà Nội? Góc nhìn từ bảo hộ tác quyền xuyên biên giới

VCPMC-BlackPink

Tại Sao VCPMC lại được phép yêu cầu BlackPink cấm diễn tại Hà Nội? Góc nhìn từ bảo hộ tác quyền xuyên biên giới

Chuyến lưu diễn của nhóm nhạc BlackPink vào ngày 29 và 30/07/2023 tại Hà Nội đã và đang thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân Việt Nam mà đặc biệt là giới trẻ trong thời gian gần đây. Sức nóng của nhóm nhạc và những vấn đề phát sinh liên quan đến đại nhạc hội diễn ra trong hai đêm hè cuối tuần của tháng 07 này thậm chí còn khiến cho những ngày hè của thủ đô càng trở nên oi ả hơn bao giờ hết. Chỉ vài ngày trước buổi biểu diễn, tức vào ngày 27/07/2023, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (“VCPMC”) bất ngờ cho biết đã gửi văn bản tới UBND, Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hà Nội đề nghị thu hồi giấy phép các đêm diễn của nhóm nhạc này. Bài viết sau đây sẽ đưa ra phân tích về quyền của VCPMC trong việc đề nghị hủy bỏ buổi biểu diễn.

blackpink-vietnam

1. Sơ lược về VCPMC

VCPMC, tên đầy đủ là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam, là một tổ chức trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được thành lập theo Quyết định của Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam số 19/2002/QĐ-NS ngày 19/4/2002. VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, thực hiện các hoạt động quy định tại Điều 56.2 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 (“Luật sở hữu trí tuệ”), trong đó bao gồm hoạt động đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền bởi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

VCPMC

2. Quyền của VCPMC trong việc đề nghị thu hồi giấy phép biểu diễn của BlackPink theo thỏa thuận giữa VCPMC và Hiệp hội bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (“KOMCA”)

Theo thông tin từ VCPMC, VCPMC và KOMCA đã ký kết một thỏa thuận song phương vào ngày 1/5/2009. Theo đó, VCPMC là đối tác duy nhất tại Việt Nam của KOMCA được trao quyền cấp phép biểu diễn trước công chúng trên lãnh thổ của VCPMC đối với tất cả tác phẩm âm nhạc có trong kho tác phẩm của KOMCA, bao gồm nhưng không giới hạn ở tác phẩm do các tác giả thành viên của KOMCA sáng tác. Cũng theo thỏa thuận này, VCPMC có quyền thu tiền bản quyền thay mặt cho các thành viên của KOMCA.

Dựa theo thỏa thuận nêu trên, VCPMC đã liên hệ với Công ty TNHH Âm nhạc IME – đơn vị tổ chức buổi biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink (“Công ty IME”) để yêu cầu Công ty IME thực hiện xin phép và trả tiền bản quyền trước khi diễn ra buổi biểu diễn. Tuy nhiên, đến ngày 19/7/2023, Công ty IME vẫn chưa thanh toán tiền bản quyền được yêu cầu. Do đó, dựa theo thỏa thuận giữa VCPMC và KOMCA, VCPMC có quyền đề nghị thu hồi giấy phép biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink, không cho phép việc biểu diễn trước công chúng các bài hát thuộc kho tác phẩm của KOMCA.

Trong khi đó, được biết 12/13 tác phẩm theo Văn bản chấp thuận số 2438/SVHTT-QLNT của Sở Văn hóa và Thể thao Tp. Hà Nội đều thuộc kho tác phẩm của KOMCA. Do đó, căn cứ theo thỏa thuận song phương giữa hai bên, VCPMC có quyền không cho phép nhóm nhạc BlackPink biểu diễn các tác phẩm này trước khi VCPMC nhận được tiền bản quyền cho các tác phẩm.

blackpink-hanoi-concert

3. Quyền của VCPMC trong việc đề nghị thu hồi giấy phép biểu diễn của BlackPink theo quy định pháp luật và nghĩa vụ của Việt Nam nói chung trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm thuộc sở hữu của KOMCA theo các điều ước quốc tế

Việc VCPMC đề nghị thu hồi giấy phép biểu diễn của BlackPink vừa qua là trách nhiệm của VCPMC theo thỏa thuận với KOMCA, đồng thời, sự việc này cũng là hồi chuông nhắc nhở đối với Việt Nam về trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả của công dân các quốc gia khác theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cả Việt Nam và Hàn Quốc đều đồng thời là thành viên của Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật và Hiệp định TRIPS về các khía cạnh  liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Theo Điều 5 của Công ước Bern và Điều 3 của Hiệp định TRIPS, các thành viên phải dành cho cho các công dân của các thành viên khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử của thành viên đó đối với công dân của mình trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

blackpink-vcpmc

Theo đó, Việt Nam cũng phải tôn trọng quyền tác giả của các tổ chức tại Hàn Quốc và bảo vệ quyền tác giả này căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Theo Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, hành vi sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Do đó, Việt Nam có nghĩa vụ không cấp phép cho nhóm nhạc BlackPink biểu diễn các tác phẩm thuộc quyền sở hữu của KOMCA khi chưa thanh toán tiền bản quyền và chưa được sự cho phép của KOMCA.

Theo Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ, các quyền tài sản đối với tác phẩm do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Theo Điều 43.3 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm thoả thuận về mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất và phương thức thanh toán.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, đồng thời dựa trên phân tích tại Mục 1 và Mục 2, VCPMC có đầy đủ quyền hạn để đại diện KOMCA thỏa thuận với Công ty IME về việc thu tiền bản quyền đối với các tác phẩm được biểu diễn, cũng như cấp phép hoặc không cấp phép đối với các buổi biểu diễn này.

Summary
Tại Sao VCPMC lại được phép yêu cầu BlackPink cấm diễn tại Hà Nội? Góc nhìn từ bảo hộ tác quyền xuyên biên giới
Article Name
Tại Sao VCPMC lại được phép yêu cầu BlackPink cấm diễn tại Hà Nội? Góc nhìn từ bảo hộ tác quyền xuyên biên giới
Author
Publisher Name
Phuoc Partners
Publisher Logo