Tài sản và quyền sở hữu tài sản
Tài sản và quyền sở hữu tài sản là rất quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm từ các chủ thể trong đời sống kinh tế, xã hội. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản[1]. Các tài sản này có thể được phân loại thành động sản hoặc bất động sản.
Quyền sở hữu tài sản bao bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật[2].
Quyền chiếm hữu là quyền của chủ thể được phép nắm giữ, chi phối tài sản; quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản; quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
Giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản
Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản hiểu một cách thông thường là tranh chấp về việc xác định xem ai là chủ sở hữu đối với tài sản trong quan hệ tranh chấp. Hiểu một cách rộng nhất, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Đây là một trong những loại tranh chấp phổ biến trong xã hội. Giống như nhiều loại tranh chấp khác, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản có thể được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải và khởi kiện ra Tòa án. Tòa án là cơ quan đại diện quyền lực nhà nước có chức năng xét xử và các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án được đảm bảo thi hành bởi cơ quan thi hành án theo những quy định pháp luật chặt chẽ. Do đó, Tòa án thường là sự lựa chọn ưu tiên và phổ biến để giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là một vấn đề quan trọng và cần được xác định đúng để các bên nhanh chóng đưa vụ tranh chấp của mình ra giải quyết.
Xét theo cấp xét xử, Tòa án cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên, trong trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án cấp tỉnh[3].
Xét về thẩm quyền theo lãnh thổ, đối với những tranh chấp về bất động sản, Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. Đối với những tranh chấp về quyền sở hữu tài sản khác, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức sẽ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm[4]. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, nguyên đơn có thể được lựa chọn Tòa án theo quy định của pháp luật để giải quyết[5]: (i) trường hợp nguyên đơn không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng giải quyết; (ii) trường hợp bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
Trên đây là nội dung khái quát về giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về vấn đề giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty tư vấn chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty tư vấn chuyên về pháp luật kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Sở Hữu Trí Tuệ, Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những công ty luật cung cấp dịch vụ pháp lý tối ưu và hiệu quả đến Quý Khách hàng.
[1] Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.
[2] Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015.
[3] Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
[4] Điểm a, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
[5] Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.