Công Ty LuậtPhước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

THỦ TỤC CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH

chu-truong-dau-tu

THỦ TỤC CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Theo quy định, chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư. Các dự án đầu tư được quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 3.2 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

  1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo quy định của Luật Đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.

  • Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh (“BCC”) đối với dự án đầu tư theo hình thức BCC;
  • Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
  1. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Điều 36 Luật Đầu tư và Điều 33 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh như sau:

  • Nộp hồ sơ: Nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nộp 04 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định cho cơ quan đăng ký đầu tư;
  • Lấy ý kiến thẩm định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của các sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến thực hiện dự án và các cơ quan có liên quan về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó;

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư;

  • Lập báo cáo thẩm định: Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Gửi Quyết định chấp thuận chủ trường đầu tư: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được gửi cho nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã nộp hồ sơ, cơ quan được giao tổ chức đấu giá (đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất), cơ quan tổ chức đấu thầu để thực hiện công bố danh mục dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành (đối với trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu thầu), cơ quan đăng ký đầu tư, các sở, cơ quan có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu và đánh giá các thông tin về chính sách hỗ trợ của chính phủ, các quy định của pháp luật liên quan đến giấy phép và dự án cũng như các hợp đồng liên quan đến dự án đầu tư. Tất cả các thông tin này sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bên cạnh đó, để đảm bảo hình thức và nội dung của hồ sơ liên quan đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là đầy đủ và tuân thủ quy định pháp luật, nhà đầu tư cần tư vấn và hỗ trợ của các công ty luật có đội ngũ luật sư chuyên về đầu tư.

Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

Summary
THỦ TỤC CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
Article Name
THỦ TỤC CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
Description
Theo quy định, chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án;