Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 4 phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Các bên trong tranh chấp có quyền lựa chọn bất kỳ phương thức giải quyết nào để giải quyết tranh chấp. Qua bài viết này, Phước và Các Cộng Sự sẽ hệ thống một số vấn đề khi giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án.
-
Giai đoạn chuẩn bị khởi kiện để giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án
Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, bên khởi kiện phải chuẩn bị những công việc sau:
a) Xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết
- Xác định thẩm quyền giải quyết theo vụ việc: căn cứ Điều 30 BLTTDS 2015, tranh chấp liên quan đến kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án.
- Xác định thẩm quyền theo cấp của tòa án: Theo quy định tại Điều 36.1 BLTTDS 2015, những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và có mục đích lợi nhuận sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện. Những tranh chấp còn lại sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh.
- Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ: được xác định theo Điều 39 BLTTDS 2015
b) Soạn đơn khởi kiện
Để chuẩn bị tham gia giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án, bên khởi kiện phải soạn đơn khởi kiện có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 189.4 BLTTDS 2015. Bên khởi kiện có thể sử dụng mẫu số 23 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
c) Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện
Bên có yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án phải chứng minh được có tồn tại mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa mình và bị đơn bằng cách đưa ra các chứng cứ, tài liệu chứng minh. Khi các bên không thể thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu thì tòa án mới tham gia vào quá trình thu thập chứng cứ.
d) Nộp đơn khởi kiện
Người khởi kiện phải gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm và có thể nộp trực tiếp tại tòa án hoặc gửi qua đường bưu chính.
-
Quy trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án
Trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, tòa án phải có một trong các quyết định sau:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 317.1 BLTTDS 2015;
- Chuyển đơn khởi kiện cho tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác; hoặc
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Trường hợp tiến hành thụ lý vụ án thì tòa án sẽ ra thông báo cho người khởi kiện. Thời gian để nộp tạm ứng án phí là trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.
Tùy thuộc vào tính chất của vụ việc mà thời gian chuẩn bị xét xử giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án sẽ kéo dài từ 04 đến 06 tháng. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tòa án sẽ tiến hành hòa giải trừ những vụ án không được hòa giải (Điều 206 BLTTDS 2015) hoặc không tiến hành hòa giải được (Điều 207 BLTTDS 2015) hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa; có thể bị tạm hoãn nhưng không quá 30 ngày.
Trên đây là nội dung khái quát về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án tại Việt Nam hiện nay. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án tại Việt Nam, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.