5 Kỹ Năng Cần Thiết Của Luật Sư Tranh Tụng Giỏi
Ngày nay, phạm vi hành nghề pháp lý của các luật sư trở nên rất đa dạng và “phủ sóng” hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này được ghi nhận rất cụ thể và đầy đủ tại Điều 12 của Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012).
Theo đó, luật sư được quyền tham gia vào quá trình tố tụng trong các vụ án lao động, thương mại, dân sự, hình sự và hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình trước các cơ quan tố tụng có thẩm quyền. Bên cạnh đó, luật sư cũng có thể hoạt động hành nghề ngoài tố tụng thông qua việc tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
Với các quy định như trên, phạm vi hành nghề của luật sư có thể được hiểu bao quát một cách tương đối dưới hai vai trò chính là luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Vậy, như thế nào là một luật sư tranh tụng và ở mức độ nào thì được xem là luật sư tranh tụng giỏi?
Có thể bạn quan tâm Như thế nào là một luật sư tranh tụng giỏi?
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có bất kỳ định nghĩa cụ thể nào cho thuật ngữ “tranh tụng” và “luật sư tranh tụng”. Về mặt ngôn ngữ, theo Đại từ điển tiếng Việt năm 1998 thì tranh tụng có nghĩa là “kiện tụng”. Trong thực tế, việc kiện tụng được hiểu là quá trình mà theo đó, các đương sự yêu cầu Tòa án/ trọng tài xem xét, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình, bao gồm việc đưa ra yêu cầu, xuất trình chứng cứ, tranh luận về các yêu cầu, các chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Dưới góc độ thực tiễn hành nghề luật sư, luật sư tranh tụng là người sẽ tham gia vào quá trình tranh tụng bắt đầu từ khi các đương sự thực hiện quyền khởi kiện, giải quyết vụ án và kết thúc khi có bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án/ trọng tài.
Hiện nay, phạm vi hành nghề của luật sư tranh tụng không chỉ gói gọn trong việc hỗ trợ khách hàng trong các vụ kiện tại cơ quan xét xử như tòa án và trọng tài, các luật sư tranh tụng còn giúp khách hàng giải quyết các tranh chấp ngoài tòa án, tức là thông qua biện pháp thương lượng và đàm phán với bên có lợi ích đối lập.
Trong bối cảnh của thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam hiện nay, người hành nghề luật cần phải trải qua một thời gian dài rèn luyện (khoảng 6 – 10 năm tùy từng đối tượng) kể từ khi bắt đầu được đào tạo ở bậc cử nhân luật để trở thành một luật sư tranh tụng giỏi thực thụ. Đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn của các luật sư đi trước, người luật sư tranh tụng giỏi sẽ có những phẩm chất cơ bản sau đây:
1. Có kiến thức chuyên sâu về một hoặc một số lĩnh vực pháp luật nhất định
Sự am hiểu chuyên sâu trong tất cả các lĩnh vực pháp luật là điều rất khó thực hiện, luật sư không thể có “ba đầu sáu tay” để có thể nắm vững tất cả các quy định và kinh nghiệm để cung cấp tốt nhất dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong tất cả các lĩnh vực. Vì thế, việc lựa chọn một hoặc một số lĩnh vực pháp luật nhất định để nghiên cứu và thực hành chuyên sâu là điều mà một luật sư tranh tụng giỏi hiện nay thường làm.
Với sự biến động và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, luật sư tranh tụng giỏi không chỉ phải nắm vững quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực đó, mà còn phải thường xuyên cập nhật những thay đổi và cách áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt là những văn bản hướng dẫn, quan điểm pháp lý của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát cấp cao, Bộ Tư pháp, …
Vấn đề này đặt ra thách thức ở mức độ ngày càng cao hơn khi bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo đó, sự thay đổi hàng loạt các quy định pháp luật để phù hợp với sân chơi chung của thế giới sẽ càng đòi hỏi người luật sư, nhất là luật sư tranh tụng hoạt động nhiều hơn để nâng cao kiến thức chuyên ngành, bắt kịp những thay đổi của pháp luật.
Ngoài ra, luật sư tranh tụng giỏi là người có thể chỉ ra các rủi ro và đưa ra những giải pháp pháp lý cho khách hàng trong các vụ việc tranh chấp. Vì vậy, khi bảo vệ cho thân chủ, luật sư tranh tụng là người thận trọng trong từng ý kiến pháp lý do mình cung cấp, đảm bảo hiểu rõ các quy định pháp luật trong lĩnh vực mà khách hàng đang hoạt động, đồng thời phải biết vận dụng những quy định pháp luật đó vào bối cảnh vụ việc thực tế mà khách hàng đang gặp phải để giải quyết vấn đề.
Trong một số trường hợp pháp luật quy định chưa cụ thể, việc tham vấn quan điểm, ý kiến của các cơ quan Nhà nước, Tòa án, Viện Kiểm sát có thẩm quyền trong các lĩnh vực chuyên môn về các vấn đề pháp lý hoặc quan điểm mới cũng là một trong những điều cần thiết mà luật sư tranh tụng giỏi luôn vận dụng để tăng tính thuyết phục cho các ý kiến pháp lý mà mình đưa ra.
2. Có kiến thức ở một số lĩnh vực khác (ngoài kiến thức luật), đặc biệt là kiến thức về kinh tế
Một luật sư tranh tụng giỏi ngoài nắm vững các kiến thức pháp lý chuyên môn còn phải trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng bổ trợ khác để hỗ trợ việc bảo vệ khách hàng trong các vụ án, đạt được hiểu quả và tính thuyết phục cao khi trình bày lập luận của mình trước các cơ quan xét xử.
Việc bổ sung các kiến thức bổ trợ giúp cho luật sư tranh tụng có thể hiểu rõ đặc điểm nghề nghiệp của khách hàng, ngôn ngữ chuyên ngành, đặc điểm của ngành, nghề đó, qua đó giúp luật sư tranh tụng có được góc nhìn toàn diện, cụ thể và chi tiết về các vấn đề mà khách hàng đang gặp phải, từ đó đưa ra được các phương án giải quyết hiệu quả cho khách hàng, tránh tình trạng tư vấn mang tính lý thuyết mà không có tính khả thi.
Ngoài ra, do phần lớn khách hàng không phải là người có chuyên môn về pháp lý, luật sư tranh tụng giỏi cần có các kiến thức cơ bản về lĩnh vực hoạt động của khách hàng để có thể giải thích quy định pháp lý (vốn rất phức tạp và khó hiểu) dưới góc nhìn của khách hàng nhằm hướng dẫn, thuyết phục khách hàng thông qua sự tư vấn có tính chuyên môn cao của mình.
3. Có khả năng về ít nhất một ngoại ngữ
Với tính cạnh tranh cao trong môi trường hành nghề luật hiện nay, luật sư tranh tụng giỏi không chỉ thuần thục sử dụng một ngoại ngữ mà thậm chí phải nhiều ngoại ngữ khác nhau. Với khả năng này, luật sư trạnh tụng sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với đồng nghiệp bởi khi khách hàng trao đổi các thông tin về vụ việc mà họ yêu cầu, khách hàng sẽ có niềm tin nhiều hơn với người luật sư mà có thể sử dụng và trao đổi bằng “tiếng mẹ đẻ” của họ.
Việc có khả năng về một ngoại ngữ giúp luật sư tranh tụng hiểu rõ bản chất của tranh chấp mà khách hàng đang gặp phải, từ đó có thể đưa ra phương án giải quyết chính xác và hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, khi sử dụng ngoại ngữ một cách thành thạo và chuyên nghiệp, luật sư tranh tụng còn có thể bảo vệ tối đa lợi ích của khách hàng, nhất là khi tham gia đàm phán, tranh luận với đối tác của khách hàng là người nước ngoài.
Bên cạnh việc hỗ trợ chuyên môn, việc nắm bắt ngoại ngữ và văn hóa của các quốc gia khác còn giúp cho một luật sư tranh tụng chuyên nghiệp tạo dựng được mối quan hệ tối đẹp với khách hàng, để khách hàng có thể yêu cầu luật sư ở những vụ việc khác hoặc giới thiệu luật sư cho khách hàng tiềm năng khác.
4. Thuần thục kỹ năng sử dụng máy vi tính và các phương tiện hỗ trợ khác
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, việc sử dụng các công cụ hiện đại, đặc biệt là máy vi tính trong việc hành nghề của luật sư là xu hướng tất yếu.
Có thể thấy, các công việc của luật sư nói chung và luật sư tranh tụng nói riêng hầu hết đều gắn liền với các công việc văn phòng như soạn thảo thư tư vấn, biên soạn luận cứ bảo vệ khách hàng tại các phiên xét xử, tra cứu nguồn tư liệu trực tuyến, viết email, thuyết trình bằng slides… Do đó, thành thạo kỹ năng sử dụng máy vi tính là một yêu cầu gần như bắt buộc, không thể thiếu đối với một người luật sư tranh tụng chuyên nghiệp.
Thành thạo ở đây không có nghĩa là đòi hỏi luật sư phải nắm bắt tất cả các nguyên lý kỹ thuật máy tính như một người có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà người ta vẫn thường gọi là “dân IT”.
Yêu cầu đặt ra đối với luật sư tranh tụng đơn thuần là có thể sử dụng được thành thạo phần lớn các chức năng của bộ ứng dụng Microsoft Office bao gồm: Word, Excel, Power Point nhằm hỗ trợ cho luật sư trong quá trình làm việc với khách hàng cũng như các cơ qua nhà nước.
Nhờ các phần mềm này, luật sư tranh tụng có thể soạn thảo các văn bản, tài liệu cần thiết trong thời gian ngắn, thao tác nhanh gọn nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao, thể hiện được tính chuyên nghiệp trong quá trình làm việc với khách hàng. Việc soạn thảo một văn bản hay email/fax một cách chỉnh chu cũng sẽ đem lại sự hài lòng không chỉ cho khách hàng, đặc biệt là với những khách hàng khó tính, đòi hỏi cao trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý, mà còn đối với cán bộ, công chức và viên chức nhà nước.
5. Kỹ năng mềm là công cụ “bất ly thân” của các luật sư tranh tụng giỏi
Muốn đạt đến thành công trong bất cứ một lĩnh vực hay ngành, nghề nào, người hành nghề đều cần trang bị cho mình những kỹ năng phù hợp tương ứng với lĩnh vực hay ngành, nghề đó. Luật sư tranh tụng cũng không phải là một ngoại lệ, bởi nghề luật là một nghề khó, bên cạnh sự vững vàng về chuyên môn, kiến thức pháp luật gọi chung là kỹ năng cứng; đặc thù nghề nghiệp còn đòi hỏi người hành nghề luật phải trang bị cho mình rất nhiều kỹ năng mềm để hoạt động hành nghề của mình đạt hiệu quả cao.
Theo đó, kỹ năng mềm hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội có thể hiểu là các kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử áp dụng vào việc giao tiếp. Các kỹ năng mềm có thể được liệt kê như là: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới… Một luật sư tranh tụng giỏi sẽ sử dụng các kỹ năng mềm làm công cụ hành nghề trong hầu hết tất cả vụ việc mà luật sư đó tham gia.
Có thể bạn quan tâm 5 Cách để nhận biết một luật sư tranh tụng giỏi
Nếu bạn cần thêm thông tin để biết công ty chúng tôi có thể hỗ trợ bạn về những vấn đề tranh tụng, xin vui lòng liên hệ với các luật sư thành viên của chúng tôi qua email info@phuoc-associates.com hoặc liên hệ trực tiếp đến số: +84 28 3622 3522.