Thủ Tục Xin Cấp Thẻ Tạm Trú Cho Người Nước Ngoài Ở Việt Nam
Thẻ tạm trú là một trong những giấy tờ quan trọng giúp người nước ngoài cư trú và làm việc lâu hợp pháp tại Việt Nam. Không chỉ mang lại sự tiện lợi trong quá trình xuất, nhập cảnh vào Việt Nam, thẻ tạm trú còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người nước ngoài trong suốt thời gian lưu trú tại đây. Tuy nhiên, thủ tục xin cấp thẻ tạm trú không phải lúc nào cũng đơn giản. Quá trình này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ, nắm rõ quy định pháp luật cũng như thực hiện đúng trình tự tại cơ quan có thẩm quyền. Bài viết Thủ Tục Xin Cấp Thẻ Tạm Trú Cho Người Nước Ngoài Ở Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện về quy trình xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam, từ việc xác định đối tượng được cấp, chuẩn bị hồ sơ cần thiết, cho đến các bước nộp hồ sơ và nhận kết quả. Dù bạn là doanh nghiệp bảo lãnh người lao động nước ngoài, hay một cá nhân muốn ổn định cuộc sống tại Việt Nam, đây sẽ là hướng dẫn hữu ích để bạn dễ dàng hoàn tất thủ tục một cách nhanh chóng và đúng quy định.
Đối tượng được cấp thẻ tạm trú
Điều 37.1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định những đối tượng được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam như sau:
- Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ;
- Người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Người vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;
- Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định;
- Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định;
- Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng;
- Người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;
- Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam;
- Người vào thực tập, học tập;
- Phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam;
- Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác;
- Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động; và
- Người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2 hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
Thủ Tục Xin Cấp Thẻ Tạm Trú Cho Người Nước Ngoài Ở Việt Nam
Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài ở Việt Nam
A. Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài do doanh nghiệp/tổ chức bảo lãnh cho các trường hợp là người lao động, nhà đầu tư và thân nhân của người lao động đang làm việc tại công ty/tổ chức, bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu NA6);
- Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu NA8);
- Hộ chiếu và thị thực/thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng;
- 02 ảnh thẻ 2x3cm của cá nhân xin cấp thẻ tạm trú;
- 01 Tờ khai xác nhận tạm trú online hoặc xác nhận tạm trú do công an xã, phường cấp;
- Giấy giới thiệu của doanh nghiệp/tổ chức cử nhân viên đi làm thủ tục cấp thẻ tạm trú;
- Hộ chiếu/căn cước công dân của người nộp hồ sơ;
- Công văn giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam do Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh cấp, nếu có;
- Mẫu tờ khai đăng ký mẫu dấu và chữ ký (mẫu NA16); và
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư/ Giấy phép hoạt động/ Quyết định thành lập của doanh nghiệp/ tổ chức.
Lưu ý, đối với từng trường hợp cụ thể, người xin cấp thẻ tạm trú có thể được yêu cầu nộp thêm tài liệu:
- Đối với người lao động thì nộp kèm theo: 01 bản sao y chứng thực giấy phép lao động hoặc giấy miễn giấy phép lao động;
- Đối với nhà đầu tư thì nộp kèm theo: 01 bản sao y chứng thực giấy đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư và 01 bản sao y có chứng thực giấy tờ chứng minh việc góp vốn vào công ty tại Việt Nam;
- Đối với trường hợp người thân vào thăm người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp/tổ chức thì nộp kèm theo: các giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân như giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận quan hệ gia đình, hộ khẩu…
Lưu ý, các giấy tờ, tài liệu do nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt, công chứng bản dịch và chứng thực phù hợp với quy định pháp luật.
B. Hồ sơ xin thẻ tạm trú theo diện thăm thân do cá nhân là công dân bảo lãnh theo diện thăm thân, bao gồm:
- Đơn xin bảo lãnh cấp thẻ tạm trú (mẫu NA7);
- Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu NA8);
- Hộ chiếu và thị thực/thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng của người xin cấp thẻ tạm trú;
- 02 ảnh thẻ 2x3cm của cá nhân xin cấp thẻ tạm trú;
- Tùy vào trường hợp cụ thể, người xin cấp thẻ tạm trú được yêu cầu nộp thêm tài liệu: các giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân như giấy khai sinh đối với trường hợp bảo lãnh cho con, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đối với trường hợp bảo lãnh cho vợ hoặc chồng, giấy chứng nhận quan hệ gia đình, hộ khẩu…; và
- Căn cước công dân của người bảo lãnh khi nộp hồ sơ.
Thủ Tục Xin Cấp Thẻ Tạm Trú Cho Người Nước Ngoài Ở Việt Nam
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật (như phân tích ở mục 2.1. bên trên).
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại Điều 36.2 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú.
Hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an và gửi bổ sung hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích theo thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (nếu có).
- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, in và cấp giấy hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ; yêu cầu nộp phí cho cán bộ thu phí. Cán bộ thu phí thu tiền, giao biên lai thu tiền cho người đề nghị cấp thẻ tạm trú hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an đề nghị đề nghị cấp thẻ tạm trú thanh toán trực tuyến và nhận biên lai điện tử.
- Nếu hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an để người nộp hồ sơ hoàn chỉnh.
- Trường hợp không đủ điều kiện thị không tiếp nhận hồ sơ, trả lời vằng văn bản hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an và nêu rõ lý do.
- Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ).
Bước 3: Trả kết quả
- Người đề nghị cấp thẻ tạm trú trực tiếp nhận kết quả tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh. Khi đến nhận kết quả mang theo giấy hẹn trả kết quả, giấy tờ tùy thân, biên lai thu tiền để đối chiếu. Trường hợp đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan cung cấp dịch vụ bưu chính công ích.
- Trường hợp chưa cấp thẻ tạm trú thì trả lời bằng văn bản hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an và nêu rõ lý do.
- Thời gian trả kết quả: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ).
Việc xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam không chỉ là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền cư trú hợp pháp mà còn là cầu nối quan trọng giúp họ hòa nhập và phát triển các mối quan hệ tại Việt Nam. Dù thủ tục có thể phức tạp đối với những ai chưa quen, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ và tuân thủ đúng quy trình, việc xin thẻ tạm trú sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Thủ Tục Xin Cấp Thẻ Tạm Trú Cho Người Nước Ngoài Ở Việt Nam mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.