Công Ty LuậtPhước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

ĐIỀU KIỆN XIN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

ĐIỀU KIỆN XIN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và quá trình hội nhập quốc tế, việc thu hút lao động nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia và quản lý cấp cao, ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo việc sử dụng lao động nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, chính phủ Việt Nam yêu cầu lao động nước ngoài phải có giấy phép lao động hợp lệ. Việc xin giấy phép lao động không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động lao động của người nước ngoài tại Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các yêu cầu và Điều Kiện Xin Giấy Phép Lao Động Tại Việt Nam, đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Điều Kiện Xin Giấy Phép Lao Động Tại Việt Nam

Giấy phép lao động là yêu cầu pháp lý quan trọng đối với người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam. Việc cấp giấy phép lao động không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động mà còn góp phần duy trì sự minh bạch và trật tự trong quản lý lao động nước ngoài. Để có thể xin cấp giấy phép lao động, người lao động cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể, được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Căn cứ Điều 151 Bộ luật Lao động năm 2019 (“BLLĐ 2019”), Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP (“Nghị định 152”), Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP (“Nghị định 70”), người lao động nước ngoài cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây để được xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam:

Đủ 18 tuổi trở lên:

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đạt độ tuổi tối thiểu theo quy định của pháp luật hiện hành là từ đủ 18 tuổi. Điều này đảm bảo rằng người lao động khi làm việc tại một quốc gia khác có đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đến công việc và hợp đồng lao động.

Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ:

Năng lực hành vi dân sự đầy đủ là khả năng của cá nhân trong việc xác lập và thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự thông qua hành vi của mình. Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015, năng lực hành vi dân sự được xác định dựa trên khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của cá nhân. Người lao động không được rơi vào các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phải có khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng lao động giữa các bên.

Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc phù hợp:

  • Theo quy định tại Nghị định 152, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải xin giấy phép lao động theo một trong các vị trí công việc sau: (i) Nhà quản lý; (ii) Giám đốc điều hành; (iii) Chuyên gia; và (iv) Lao động kỹ thuật. Theo đó, người nước ngoài phải đáp ứng được các tiêu chí về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc và chức danh công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
  • Cụ thể, để xin giấy phép lao động với vị trí công việc là chuyên gia, theo quy định tại Điều 3.3 Nghị định 152 và Điều 1.1(a) Nghị định 70, người nước ngoài cần có (i) bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí dự kiến tại Việt Nam hoặc (ii) có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Trong một số trường hợp đặc biệt, việc công nhận chuyên gia có thể được quyết định bởi Thủ tướng Chính phủ dựa trên đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
  • Đối với vị trí công việc là lao động kỹ thuật, theo quy định tại Điều 3.6 Nghị định 152 và Điều 1.1(c) Nghị định 70, người nước ngoài được yêu cầu phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: (i) được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam hoặc (ii) có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam
  • Đối với vị trí công việc nhà quản lý và giám đốc điều hành, người lao động cần đáp ứng điều kiện về chức danh công việc theo quy định tại Điều 3.4, 3.5 Nghị định 152 và Điều 1.1(b) Nghị định 70 và cần phải cung cấp văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành bao gồm: (i) Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; (ii) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận thành lập hoặc quyết định thành lập hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương; và (iii) Nghị quyết hoặc Quyết định bổ nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo Điều 1.5(b) Nghị định 70.

Có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế:

Để làm việc tại Việt Nam, người lao động phải có chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp, có giá trị trong vòng 12 tháng tính từ ngày nộp hồ sơ. Giấy chứng nhận sức khỏe có thể được cấp bởi cơ quan y tế trong nước hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền ở nước ngoài, và phải đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam.

Không thuộc các trường hợp bị cấm:

Người lao động không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam. Để chứng minh điều này, người lao động phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận rằng họ không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trong thời gian thi hành án. Văn bản này phải được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam và được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động.

Không thuộc các trường hợp được miễn giấy phép lao động:

  • Mặc dù giấy phép lao động là yêu cầu bắt buộc đối với phần lớn người lao động nước ngoài tại Việt Nam, pháp luật cũng quy định một số trường hợp được miễn giấy phép lao động. Cụ thể, theo Điều 154 của BLLĐ 2019, Điều 7 Nghị định 152 và Điều 1.4 Nghị định 70, các trường hợp miễn giấy phép lao động liên quan đến (i) chức vụ và vai trò trong doanh nghiệp của người lao động; (ii) người lao động làm việc ngắn hạn; (iii) người lao đông có hộ chiếu công vụ; (iv) theo quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hoặc (v) các trường hợp đặc biệt khác.
  • Theo đó, những người lao động như chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn trong doanh nghiệp, người lao động làm việc dưới 3 tháng để thực hiện các công việc đặc thù, hoặc các chuyên gia và lao động di chuyển nội bộ trong các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ đã cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới, được miễn giấy phép lao động. Những trường hợp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, hợp tác quốc tế và các nhiệm vụ đặc biệt.
  • Một số những trường hợp đặc biệt khác như người lao động là luật sư nước ngoài, người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam, tình nguyện viên làm việc không hưởng lương, học sinh, sinh viên thực tập tại Việt Nam, giảng viên hoặc quản lý các cơ sở giáo dục do cơ quan ngoại giao nước ngoài thành lập…cũng được miễn giấy phép lao

Tóm lại, để xin giấy phép lao động tại Việt Nam, người lao động nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và các chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc dự kiến. Các yêu cầu này không chỉ giúp đảm bảo rằng người lao động có đủ năng lực và chuyên môn cho công việc mà còn giúp các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Mặc dù có một số trường hợp đặc biệt được miễn giấy phép lao động, nhưng việc tuân thủ các điều kiện này là rất quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong quản lý lao động nước ngoài.

Điều kiện xin giấy phép lao động tại Việt Nam không chỉ là tiêu chí để người lao động nước ngoài đáp ứng yêu cầu pháp luật, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng lao động và đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Hiểu rõ và tuân thủ các Điều Kiện Xin Giấy Phép Lao Động Tại Việt Nam giúp người lao động nước ngoài làm việc đúng quy định, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Quy định này góp phần xây dựng một môi trường lao động chuyên nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững và củng cố vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Điều Kiện Xin Giấy Phép Lao Động Tại Việt NamPhước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

Summary
ĐIỀU KIỆN XIN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM
Article Name
ĐIỀU KIỆN XIN GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM
Description
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và quá trình hội nhập quốc tế, việc thu hút lao động nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia và quản lý cấp cao