GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỨA MUA HỨA BÁN
Theo Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015 về một số hợp đồng thông dụng, hợp đồng hứa mua hứa bán không phải là một trong số các hợp đồng thông dụng. Ngoài ra, luật khác về thương mại, đầu tư, xây dựng, vận tải… cũng không có quy định về hợp đồng hứa mua hứa bán. Do vậy, hiện nay, chưa có một định nghĩa và quy tắc pháp lý cụ thể cho hợp đồng hứa mua hứa bán. Thực tiễn xét xử cho thấy, tùy vào thỏa thuận và giao dịch cụ thể giữa các bên, cơ quan xét xử sẽ áp dụng các quy định pháp luật tương ứng cho sự kiện cụ thể trong thực hiện hợp đồng hứa mua hứa bán giữa các bên. Và do đó, giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa mua hứa bán là một việc rất khó khăn, phức tạp đối với các bên.
Về mặt ngữ nghĩa và thực tế giao dịch phổ biến, hợp đồng hứa mua hứa bán có thể hiểu đó là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thực hiện một hợp đồng nào đó, trong đó, chủ thể của hợp đồng, mục đích, nội dung, điều kiện giao kết, thực hiện hợp đồng đã được làm rõ. Các bên chưa muốn hoặc chưa thể giao kết, thực hiện hợp đồng ngay vì lý do nào đó. Trên thực tế, chủ đầu tư dự án bất động sản và người mua bất động sản hình thành trong tương lai thường ký kết hợp đồng hứa mua hứa bán trong giai đoạn bất động sản hình thành trong tương lai chưa đáp ứng đủ điều kiện để được đưa vào kinh doanh theo Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành. Khoản tiền mà người mua bất động sản giao cho chủ đầu tư dự án trong giai đoạn này có thể được gọi theo nhiều cách khác nhau như tiền đặt cọc, tiền thanh toán trước… Chủ đầu tư dự án sử dụng loại hợp đồng này để huy động vốn một cách không chính thức thông qua việc hứa hẹn bán bất động sản hình thành trong tương lai cho khách hàng theo mức giá ưu đãi.
Để giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa mua hứa bán có hiệu quả, trước hết phải làm rõ bản chất của hợp đồng đã được giao kết. Đó là hợp đồng đặt cọc hay hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai, hay là một hợp đồng mua bán tài sản đích thực nhưng được đặt cho một cái tên “hứa mua hứa bán”, hay là hợp đồng giả tạo để che dấu hợp đồng mua bán tài sản.
Sau khi làm rõ bản chất của hợp đồng hứa mua hứa bán, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa mua hứa bán mới bắt đầu bằng công việc sau:
- Xác định chủ thể bị kiện và quan hệ tranh chấp phù hợp với bản chất hợp đồng và thực tế thực hiện giao dịch giữa các bên.
- Xác định luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng thật sự giữa các bên.
- Xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa mua hứa bán và thủ tục tố tụng yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa mua hứa bán
- Thu thập chứng cứ phù hợp theo luật áp dụng đã xác định.
- Tiến hành khởi kiện và giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa mua hứa bán tại cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.
Trên đây là một số nội dung khái quát về giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa mua hứa bán. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tìm kiếm dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa mua hứa bán, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty tư vấn chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty tư vấn chuyên về pháp luật kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Sở Hữu Trí Tuệ, Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những công ty luật cung cấp dịch vụ pháp lý tối ưu và hiệu quả đến Quý Khách hàng.