Lợi Ích và Chiến Lược Bảo Vệ Sở Hữu Trí Tuệ Cho Doanh Nghiệp
Tại Việt Nam, đặc biệt khi nền kinh tế có nhiều biến động và doanh nghiệp lao đao tìm cách thu về cho mình nhiều lợi nhuận nhất có thể, những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa các doanh nghiệp đã không còn quá xa lạ. Có thể kể đến như tranh chấp nhãn hiệu “Mì Hảo Hảo” với “Mì Hảo Hạng” vào năm 2015 hay vụ Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam làm “nhái” nhãn hiệu trên vỏ lon bia Sài Gòn của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Tài sản về trí tuệ có thể thấy là một tài sản vô giá của doanh nghiệp bởi lẽ đây là những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, dù không thể xác định bằng vật chất, song lại có giá trị lớn vì khả năng sinh lợi nhuận cao. Thực tế, thiệt hại cho các bên khi bị xử thua kiện trong một vụ án về sở hữu trí tuệ thường lên đến hàng tỷ đồng đối với doanh nghiệp. Nhằm giúp doanh nghiệp sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các tài sản về trí tuệ của mình để hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, bài viết này Phước và Các Cộng Sựxin gửi đến bạn đọc những Lợi ích và chiến lược bảo vệ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng[1]. Đây là quyền lợi pháp lý của doanh nghiệp đối với các sản phẩm sáng tạo của doanh nghiệp, có thể bao gồm các sáng chế, tác phẩm nghệ thuật, tên thương hiệu, nhãn hiệu, các ý tưởng kinh doanh, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và các tài sản tư duy khác mà doanh nghiệp sở hữu. Đây là tài sản vô hình nhưng quan trọng của doanh nghiệp và đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng và bảo vệ doanh nghiệp khỏi những cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Các loại sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp có thể kể đến (1) bản quyền đối với các tác phẩm từ tư duy sáng tạo của nhân sự của doanh nghiệp, (2) nhãn hiệu, bao gồm tên, biểu tượng, ký hiệu hoặc các thiết kế đặc trưng để nhận diện sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, (3) các phát minh, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và sáng chế của doanh nghiệp, giúp đảm bảo quyền độc quyền trong việc sử dụng, bán và sản xuất sản phẩm hoặc quy trình đó và (4) cơ sở dữ liệu mà doanh nghiệp đã đầu tư thời gian, công sức và nguồn lực để xây dựng.
Lợi ích của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.
Việc bảo vệ và quản lý hiệu quả tài sản trí tuệ không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường mà còn đảm bảo được sự phát triển bền vững trong thời đại mà thông tin luôn dễ dàng bị đánh cắp, hoặc “bắt chước”.
Về mặt pháp lý
Pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ cấp quyền sở hữu cho các cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản trí tuệ với những quyền độc quyền mà chỉ chủ sở hữu mới được hưởng. Ví dụ, chủ sở hữu đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ và được ghi nhận tại văn bằng bảo hộ. Khi đó, chủ sở hữu có đầy đủ các quyền tài sản với đối tượng sở hữu công nghiệp của mình như quyền sử dụng, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng, định đoạt đối với đối tượng sở hữu công nghiệp[2]. Việc bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình giúp doanh nghiệp khai thác tối đa các quyền và lợi ích hợp pháp độc quyền của mình trước các đối thủ cạnh tranh.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình là công cụ đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp trong trường hợp phát sinh các tranh chấp, và là vũ khí mạnh cho doanh nghiệp nếu tranh chấp được đưa ra giải quyết tại các Tòa án có thẩm quyền. Trừ quyền tác giả là quyền được pháp luật Việt Nam công nhận mà không cần đăng ký, các quyền sở hữu trí tuệ còn lại chỉ được cấp cho chủ sở hữu thực hiện đăng ký sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền[3]. Khi có tranh chấp pháp lý xảy ra liên quan đến quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ, doanh nghiệp lúc này đã có cơ sở bằng chứng chứng minh vững chắc để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài ra, đây cũng là tài liệu hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp để khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền hoặc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đối với các doanh nghiệp khác có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu này.
Về mặt phát triển sản xuất, kinh doanh
Sở hữu trí tuệ không chỉ là một công cụ bảo vệ mà còn là nguồn tạo ra giá trị lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp là thành phẩm có được nhờ tư duy có thể của một cá nhân hoặc cũng có thể của nhiều người, có thể hình thành từ quá trình dài nghiên cứu và sản xuất và vì vậy mà đóng vai trò lớn trong việc hoạt động của doanh nghiệp, giúp tăng hiệu suất công việc và tăng lợi nhuận thu về cho doanh ngiệp. Doanh nghiệp sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của mình để ngăn chặn tối đa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng như sao chép, làm giả từ các đối thủ cùng chung ngành nghề trên thị trường và giúp duy trì sự độc đáo và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Những quyền lợi độc quyền của chủ sở hữu sở hữu trí tuệ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp tăng thêm giá trị lợi nhuận, từ việc cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ của mình cho đến việc hợp tác chiến lược với các đối tác tiềm năng. Quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp cũng giúp họ gây dựng được niềm tin với khách hàng của mình bởi sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp là sản phẩm chính thức, được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền về nguồn gốc.
Chiến lược bảo vệ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp
Xác định tài sản và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền
Điều quan trọng là doanh nghiệp phải xác định rõ các tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp sở hữu sớm nhất có thể để nghiên cứu và thực hiện việc nộp đơn đăng ký (nếu việc đăng ký là bắt buộc) theo đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ để có quyền lợi độc quyền. Thủ tục đăng ký bảo hộ đối với các đối tượng tài sản trí tuệ khác nhau thì khác nhau, do đó doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để thực hiện cho phù hợp.
Thời gian thực hiện việc đăng ký cũng là một vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu tâm. Thông thường, chủ thể đăng ký bảo hộ trước sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ trước. Do khối lượng công việc lớn, các cơ quan này cũng có lúc cấp bảo hộ cho nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đang được bảo hộ và/hoặc đã được nộp đơn trước. Trường hợp này, doanh nghiệp sẽ khó chứng minh được bản thân doanh nghiệp mới là chủ sở hữu thực tế sáng tạo, tạo ra các tài sản trí tuệ đó.
Sau khi được cấp quyền hợp pháp với các tài sản trí tuệ của mình, doanh nghiệp phải tận dụng tối đa quyền tự bảo vệ của mình quy định tại Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Đồng thời, riêng đối với bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp lưu ý về thời hạn của văn bằng bảo hộ để thực hiện gia hạn giá trị hiệu lực của các văn bằng này. Theo đó, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm trong khi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm[4].
Huấn luyện nội bộ
Doanh nghiệp nên tổ chức các buổi hội thảo nhằm trang bị cho người lao động của mình kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ và tầm quan trọng của việc bảo vệ chúng và nâng cao ý thức về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần được cảnh báo về hậu quả của việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp thông qua các hành vi như tiết lộ bí mật kinh doanh, sử dụng bí mật kinh doanh của doanh nghiệp cho các mục đích riêng khác.
Theo dõi thị trường và nâng cao chiến dịch quảng bá
Doanh nghiệp cũng cần có sự quan sát và thường xuyên theo dõi các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường trong ngành để có thể kịp thời phát hiện và có hành động đối phó với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp như đề nghị ngưng sử dụng, yêu cầu công khai đính đính, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Việc đẩy mạnh chiến dịch quảng bá cho doanh nghiệp cũng góp phần giúp doanh nghiệp củng cố quyền sở hữu trí tuệ của mình đối với các tài sản trí tuệ, giúp người dùng sản phẩm hoặc dịch vụ có cơ sở phân biệt giữa tài sản trí tuệ của doanh nghiệp với các sản phẩm cùng loại, hàng nhái, hàng giả.
Từ các phân tích trên, chúng ta nhận thấy rằng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ của các công ty mà còn là yếu tố quyết định đối với sự thành công của mọi doanh nghiệp. Việc áp dụng chiến lược bảo vệ sở hữu trí tuệ sẽ không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự đổi mới, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và tạo ra giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến lợi ích và chiến lược bảo vệ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 4.1. Luật Sở hữu trí tuệ 2005
[2] Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
[3] Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
[4] Điều 93.4 và 93.6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005