Phúc thẩm là gì? Những lưu ý trong thủ tục phúc thẩm
Phúc thẩm là cấp xét xử cuối cùng trong tiến trình tố tụng tại Việt Nam. Sau khi Bản án, Quyết định sơ thẩm được ban hành, đương sự hoặc bị cáo, bị hại hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo và Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền kháng nghị nếu không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Dựa theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ tiến hành xét xử lại vụ án. Việc quy định cấp xét xử phúc thẩm ngoài mục đích tôn trọng và bảo đảm quyền công dân trong thủ tục tố tụng còn nhằm mục đích khắc phục những sai lầm trong hoạt động xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, tránh xảy ra sai sót trong quá trình xét xử, đảm bảo sự công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng. Bài viết Phúc thẩm là gì? Những lưu ý trong thủ tục phúc thẩm dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu hơn về vai trò của thủ tục Phúc thẩm cũng như những điểm cần lưu ý trong thủ tục này.
Khái niệm và đặc điểm của thủ tục phúc thẩm
Khái niệm
Phúc thẩm là việc toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Trong đó, kháng cáo là việc đương sự trong vụ án dân sự, vụ án hành chính hoặc bị cáo trong vụ án hình sự yêu cầu toà án cấp trên xem xét lại một phần hoặc toàn bộ vụ án theo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp sơ thẩm. Kháng nghị là hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát trong việc đề nghị toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án có bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm.
Tại phiên toà phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm có thể thay đổi, huỷ hoặc giữ nguyên các nhận định và quyết định của Toà án cấp sơ thẩm tại bản án, quyết định sơ thẩm. Tuỳ vào loại vụ án cụ thể, việc giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm sẽ tuân theo thủ tục và trình tự được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Tố tụng Hành chính hiện hành.
Đặc điểm
Trong thủ tục phúc thẩm, đối với vụ việc dân sự và vụ án hành chính, về nguyên tắc, bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị phần nào thì chỉ phần đó là chưa được thi hành và sẽ bị đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm[1].Đối với vụ án hình sự, Toà án cấp phúc thẩm có quyền xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị nếu thấy cần thiết và nếu có căn cứ. Toà án phúc thẩm cũng có thể sửa bản án sơ thẩm cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị[2]. Những phần của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay.
Những vấn đề cần lưu ý tại thủ tục phúc thẩm
Thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm
Toà án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm về nguyên tắc là Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đưa ra bản án, quyết định sơ thẩm. Theo đó, đối với vụ án hành chính và vụ việc dân sự, Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án được xét xử sơ thẩm bởi Toà án nhân dân cấp huyện. Toà án nhân dân cấp cao sẽ có thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án được xét xử sở thẩm bởi Toà án nhân dân cấp tỉnh dựa trên thẩm quyền lãnh thổ.
Đối với vụ án hình sự, thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh tương tự như đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án quân sự khu vực thuộc về Tòa án quân sự quân khu. Đối với bản án, quyết định của Tòa án quân sự quân khu thì thẩm quyền xét xử phúc thẩm thuộc về Tòa án quân sự trung ương[3].
Thời hạn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm
Trong vụ án dân sự, vụ án hành chính, thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Tuy nhiên, đối với người kháng cáo không có mặt tại phiên toà hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết, trường hợp không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng hành chính.
Trong việc dân sự, người kháng cáo có quyền kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Trường hợp họ không có mặt tại phiên họp giải quyết việc dân sự thì thời hạn đó được tính từ ngày họ nhận được quyết định giải quyết việc dân sự hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết[4].
Trong vụ án hình sự, thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định[5].
Ngày kháng cáo được xác định đối với vụ án dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự là ngày nộp đơn đối với trường hợp người kháng cáo nộp trực tiếp. Đối với trường hợp người kháng cáo gửi qua đường bưu điện thì ngày kháng cáo được tính từ ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu trên phong bì. Trường hợp kháng cáo ngoài thời hạn quy định của pháp luật thì được xem là kháng cáo quá hạn. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính thì việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn. Việc chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo quá hạn được quyết định bởi Hội đồng xét kháng cáo quá hạn được thành lập bởi Toà án cấp phúc thẩm.
Người có quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
Đối với vụ án dân sự, người có quyền kháng cáo là các đương sự, người đại diện của đương sự và cơ quan, tổ chức đã khởi kiện vụ án dân sự. Người có quyền kháng nghị là Việc trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên xử lý trực tiếp đối với Toà án đã xét xử sơ thẩm.[6]
Đối với vụ án hình sự, người có quyền kháng cáo là bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại, đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Người có quyền kháng nghị là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên xử lý trực tiếp đối với Toà án đã xét xử sơ thẩm[7].
Đối với vụ án hành chính, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên xử lý trực tiếp đối với Toà án đã xét xử sơ thẩm có quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm[8].
Đối tượng kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm như quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định chuyển vụ án cho toà án khác giải quyết, quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử không phải là đối tượng của kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm sau khi được xét xử theo thủ tục phúc thẩm
Toà án cấp phúc thẩm có thể ra các quyết định sau liên quan đến bản án, quyết định của Toà án sơ thẩm: (i) Giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm; (ii) Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm, sửa quyết định sơ thẩm; (iii) Huỷ bản án sơ thẩm, huỷ một phần bản án sơ thẩm, huỷ quyết định sơ thẩm. Đối với mỗi quyết định trên của Toà án cấp phúc thẩm thì hiệu lực của bản án, quyết định có thể bị ảnh hưởng như sau:
- Đối với quyết định giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm, Toà án phúc thẩm đưa ra quyết định này khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật. Các quyết định và bản án của Toà án cấp phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định hoặc ngày tuyên án[9]. Do đó, bản án, quyết định sơ thẩm được giữ nguyên trong trường hợp này sẽ có hiệu lực thi hành ngay.
- Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm, sửa quyết định sơ thẩm thì phần bản án sơ thẩm, quyết định sơ thẩm được sửa sẽ có hiệu lực vào ngày bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực.
- Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm quyết định huỷ bản án sơ thẩm, huỷ một phần bản án sơ thẩm, huỷ quyết định sơ thẩm thì bản án hoặc một phần bản án sơ thẩm, quyết định sơ thẩm đó sẽ không có hiệu lực pháp luật. Vụ việc dân sự, vụ án hành chính hoặc vụ án hình sự có thể bị xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc bị đình chỉ.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Phúc thẩm là gì và những lưu ý trong thủ tục phúc thẩm mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 220 Luật Tố tụng hành chính 2015.
[2] Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[3] Điều 344 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
[4] Điều 372 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[5] Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[6] Điều 271, 278 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[7] Điều 331, 336 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
[8] Điều 204, 211 Luật Tố tụng hành chính 2015
[9] Điều 313, 314 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Điều 355, 361 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; Điều 242, 243 Luật Tố tụng hành chính 2015.