Công Ty LuậtPhước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CHẤP TẠI TÒA ÁN

tranh-chap-hop-dong

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CHẤP TẠI TÒA ÁN

Tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý là một loại tranh chấp đặc biệt giữa những cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý và thân chủ của mình liên quan đến việc thực hiện hay không thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Thực tế, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng dịch vụ pháp lý phát sinh ngày càng nhiều và Tòa án là cơ quan thường được các bên lựa chọn để giải quyết những tranh chấp trên. Bài viết sẽ đề cập đến tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý và những lưu ý khi tranh chấp tại Tòa án.

  1. Hợp đồng dịch vụ pháp lý là gì?

Hợp đồng dịch vụ pháp lý là sự thỏa thuận giữa tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và khách hàng của mình, theo đó tổ chức hành nghề luật sư/luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng và khách hàng phải trả phí dịch vụ theo thỏa thuận. Hợp đồng dịch vụ pháp lý chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Khác với những hợp đồng dịch vụ khác, bên cung cấp dịch vụ phải là tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng luật sư hoặc công ty luật) hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Bên cạnh đó, đối tượng của hợp đồng này là các dịch vụ pháp lý bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 của Luật Luật sư, hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được lập thành văn bản và có những nội dung chính như sau: thông tin của các bên; nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có); trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và phương thức giải quyết tranh chấp.

  1. Tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý

Từ những phân tích về hợp đồng dịch vụ pháp lý nêu trên có thể hiểu rằng tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý là những mâu thuẫn, bất đồng giữa tổ chức hành nghề luật sư hay luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và khách hàng của mình liên quan đến việc thực hiện hay không thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Thực tế hiện nay, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý xuất phát từ nhiều lý do như bên cung cấp dịch vụ pháp lý trong hợp đồng không có thẩm quyền ký kết loại hợp đồng này do không phải là tổ chức hành nghề luật sư hay luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; lý do liên quan đến thù lao, hứa thưởng hoặc do tổ chức hành nghề luật sư/luật sư có hành vi vi phạm các điều cấm theo Luật Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử hành nghề luật sư Việt Nam (tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình; cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ, việc;…).

  1. Những lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý tại Tòa án

Thứ nhất, về thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý

Theo quy định của tại Điều 429 Bộ luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 157 Bộ luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý được bắt đầu lại khi: (i) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; (ii) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; hoặc (iii) Các bên đã tự hòa giải với nhau. Theo đó, thời hiệu khởi kiện sẽ bắt đầu lại từ đầu tại thời điểm ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các sự kiện ở trên.

Các bên khi giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý cần các lưu ý về thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất.

Thứ hai, các bên tranh chấp cần lưu ý rằng tòa án sẽ căn cứ vào Bộ luật Dân sự, Luật Luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử hành nghề luật sư Việt Nam, hợp đồng dịch vụ pháp lý làm căn cứ để giải quyết tranh chấp. Do đó, trước khi đồng ý sử dụng dịch vụ pháp lý của bất kỳ tổ chức hành nghề luật sư/luật sư nào hay trước khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho bất kỳ khách hàng nào, các bên phải giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản mà không phải bằng lời nói hay hành vi.

Thứ ba, trước khi một trong các bên trong hợp đồng dịch vụ pháp lý tiến hành khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền, các bên có thể xem xét giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý thông qua thương lượng, hòa giải để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

Summary
TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CHẤP TẠI TÒA ÁN
Article Name
TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CHẤP TẠI TÒA ÁN
Description
Tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý là một loại tranh chấp đặc biệt giữa những cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý và thân chủ của mình liên quan đến việc