Trường Hợp Nào Ngân Hàng Được Tự Ý Bán Tài Sản Thế Chấp?
Thế chấp là một trong chín biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 292 Bộ luật Dân sự. Thế chấp tài sản tại các ngân hàng là việc bên vay (hay còn gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ và không giao tài sản cho ngân hàng.
Theo Điều 299 và Điều 303 Bộ luật Dân sự, ngân hàng có thể bán tài sản thế chấp thông qua phương thức bán đấu giá hoặc tự bán tài sản thế chấp trong các trường hợp sau đây:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên thế chấp phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Về nguyên tắc, trong mọi trường hợp, ngân hàng phải thông báo bằng văn bản cho bên thế chấp trước khi xử lý tài sản thế chấp. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, có trường hợp nào ngân hàng được tự ý bán tài sản thế chấp không? Câu trả lời là có nếu ngân hàng và bên thế chấp có thỏa thuận cụ thể về việc xử lý tài sản và phương thức xử lý tài sản thế chấp.
Theo quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự, trong quá trình ngân hàng xử lý tài sản thế chấp, bên thế chấp hoặc bên thứ ba đang giữ tài sản thế chấp không giao tài sản thì lúc này xuất hiện tranh chấp giữa các bên. Trong trường hợp này, ngân hàng chỉ có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp mà không được phép tự ý bán tài sản thế chấp, sau đó đề nghị cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp theo bản án, quyết định của tòa án.
Như vậy có thể thấy rằng ngân hàng được tự ý bán tài sản thế chấp trong trường hợp có thỏa thuận giữa các bên liên quan về việc xử lý tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, khi khi xử lý tài sản thế chấp, ngân hàng phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến trình tự thủ tục xử lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp ngân hàng không tuân thủ các quy định liên quan đến quy trình, thủ tục xử lý tài sản thế chấp như không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm hoặc tự ý thu giữ tài sản mà không có sự hợp tác của bên thế chấp thì ngân hàng có nguy cơ phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên thế chấp và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Trên đây là nội dung khái quát về trường hợp nào ngân hàng được tự ý bán tài sản thế chấp? Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về lĩnh vực pháp lý liên quan đến ngân hàng, vui lòng liên hệ chúng tôi.
Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.