Luật Cảnh Sát Biển Việt Nam – Nòng Cốt Trong Bảo Vệ Chủ Quyền Biển Đảo Việt Nam
Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một văn bản quan trọng quy định các nội dung liên quan đến lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực thi pháp luật Việt Nam trên biển, bảo vệ an ninh trật tự trên biển và chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Và từ ngày 01/7/2019, Luật Cảnh sát biển Việt Nam chính thức có hiệu lực, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam có 8 Chương, 41 điều, bao gồm những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam (từ Điều 8 đến Điều 10); hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam (từ Điều 11 đến Điều 21); phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng (từ Điều 22 đến Điều 25); tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam (từ Điều 26 đến Điều 31); các quy định về bảo đảm hoạt động, chế độ chính sách, quản lý Nhà nước với Cảnh sát biển Việt Nam (từ Điều 32 đến Điều 40).
Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời có ý nghĩa quan trọng với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam khi thực thi nhiệm vụ có 10 quyền hạn, theo quy định tại Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, gồm:
– Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 Luật Cảnh sát biển Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật Cảnh sát biển Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
– Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
– Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.
– Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.
– Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
– Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.
– Áp dụng biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam.
Trong đó, Cảnh sát biển Việt Nam, theo quy định nêu trên của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp sau:
– Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia
– Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền;
– Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi;
– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho phép Cảnh sát biển Việt Nam được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát khi:
– Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
– Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
– Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;
– Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật;
– Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.
Một vấn đề quan trọng về Cảnh sát biển Việt Nam đó là phạm vi hoạt động. Theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012: “vùng biển Việt Nam bao gồm nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam”, do đó, Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trên tất cả các vùng biển nêu trên.
Khoản 2 Điều 11 Luật Cảnh sát biển Việt Nam còn quy định về trường hợp hoạt động “ngoài vùng biển Việt Nam” của Cảnh sát biển Việt Nam.
Trên đây là nội dung điểm mới của Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về vấn đề pháp lý liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.