CÁC KHOẢN LỆ PHÍ, THUẾ PHẢI ĐÓNG CỦA CÔNG TY VỐN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Các khoản lệ phí và thuế phải đóng là một trong những tiêu chí được cân nhắc hàng đầu khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư và thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam. Với lợi thế là một thị trường mới nổi tiềm năng, phát triển nhanh chóng và có một hệ thống chính trị, pháp luật ổn định, có thể nói Việt Nam đang là một trong những địa điểm “sáng giá” được các nhà đầu tư nước ngoài vô cùng quan tâm.
Về nguyên tắc, khi tiến hành việc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam thông qua việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư thường phải chi trả các loại thuế, bên cạnh các nghĩa vụ tài chính khác, bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất và các khoản thuế khác liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các công ty còn phải nộp các khoản lệ phí như lệ phí môn bài, phí sử dụng hạ tầng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các phí dịch vụ công khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Hiểu được lợi ích của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), chính phủ Việt Nam cũng đã xem xét và ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí nhằm tạo điều kiện và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các thị trường mới nổi khác.
Hiểu rõ các quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật mà còn giúp tối ưu hóa chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về các loại thuế và lệ phí mà công ty vốn nước ngoài phải đóng khi hoạt động tại Việt Nam.
-
Lệ phí môn bài
Điều 4 của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP) quy định chi tiết về mức thu lệ phí môn bài đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam. Theo đó, mức lệ phí môn bài được xác định dựa trên vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của tổ chức và doanh thu của cá nhân, hộ gia đình cụ thể như sau.
1.1. Đối với tổ chức:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng nộp lệ phí môn bài 3.000.000 đồng/năm.
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống nộp 2.000.000 đồng/năm.
1.2. Các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp và tổ chức kinh tế khác nộp 1.000.000 đồng/năm.
1.3. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, sau thời gian miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp), nếu kết thúc trong 6 tháng đầu năm sẽ nộp mức lệ phí cả năm, nếu kết thúc trong 6 tháng cuối năm sẽ nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm. Đối với các hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể nhưng hoạt động trở lại, họ sẽ nộp lệ phí môn bài theo nguyên tắc tương tự.
Ngoài ra, nếu tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng hoặc tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống có thay đổi về vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư, mức thu lệ phí môn bài sẽ được xác định dựa trên vốn của năm trước liền kề.
Cuối cùng, nếu người nộp lệ phí có văn bản tạm ngừng hoạt động kinh doanh gửi cơ quan thuế trước hạn phải nộp lệ phí và chưa nộp lệ phí năm đó, họ sẽ không phải nộp lệ phí môn bài trong năm tạm ngừng kinh doanh. Nếu không đảm bảo điều kiện này, họ vẫn phải nộp lệ phí cả năm theo Điều 1.2.(c) Nghị định số 139/2016/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP).
-
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Điều 2 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, công ty được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư dưới các hình thức: công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân… được xác định là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy công ty vốn nước ngoài có trách nhiệm nộp thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam và ngoài Việt Nam. Mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp áp dụng chung cho các doanh nghiệp là dối tượng chịu thuế kể từ ngày 01/01/2016 là 20%, trừ một số trường hợp chịu mức thuế cao hơn hoặc được hưởng ưu đãi về thuế ví dụ như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, khai thác khoáng sản có thể phải chịu mức thuế suất cao hơn từ 32% đến 50%, tùy thuộc vào từng dự án, từng cơ sở kinh doanh[1].
Để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đầu tư vào các khu vực, ngành nghề ưu tiên nhằm tạo ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế; khuyến khích triển vùng; khuyến khích tạo việc làm; thúc đẩy xuất khẩu… từ đó đóng góp vào định hướng phát triển chung của đất nước, Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách giảm và miễn thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số mức giảm, miễn thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đáng chú ý áp dụng cho các công ty vốn nước ngoài đáp các điều kiện quy định tại Điều 1.7 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 bao gồm:
- Thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm;
- Thuế suất 10% (không giới hạn về thời gian);
- Thuế suất 20% trong thời gian mười năm.
Ngoài thời hạn đề cập ở trên, đối với dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài thêm, nhưng thời gian kéo dài thêm không quá mười lăm năm[2].
-
Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả nhập khẩu hàng hóa.
Điều 8 của Luật thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung 2016 quy định mức thuế suất cho các loại hàng hóa và dịch vụ như sau:
3.1. Thuế suất 0%:
- Áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế, và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu.
- Loại trừ các dịch vụ như chuyển giao công nghệ, tái bảo hiểm, cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phái sinh, bưu chính, viễn thông, và một số sản phẩm xuất khẩu nhất định.
3.2. Thuế suất 5%: áp dụng cho các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu như nước sạch, quặng sản xuất phân bón, dịch vụ nông nghiệp, sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi chưa qua chế biến, thực phẩm tươi sống, một số sản phẩm chế biến thủ công, thiết bị y tế, giáo cụ, hoạt động văn hóa, và nhà ở xã hội.
3.3. Thuế suất 10%: áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ không thuộc hai mức thuế suất trên.
Mục đích của việc áp dụng các mức thuế suất khác nhau là để hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu và khuyến khích xuất khẩu, đồng thời đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
-
Thuế xuất nhập khẩu
Công ty vốn nước ngoài khi thực hiện hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa từ và vào Việt Nam sẽ phải nộp thuế xuất khẩu và nhập khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu 2016. Thuế này được tính dựa trên giá trị thực của hàng hóa và áp dụng các mức thuế suất khác nhau tùy thuộc vào từng loại hàng hóa.
Thuế xuất khẩu và nhập khẩu được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ nước ngoài và hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài từ Việt Nam. Mục đích thu thuế này nhằm điều tiết việc xuất khẩu hàng hóa, đồng thời là một nguồn thu ngân sách quan trọng của Nhà nước.
-
Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất
Tiền sử dụng đất/Tiền thuê đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất/cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất/cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để cho thuê đất hoặc các trường hợp sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất/nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật[3]. Trong khi đó, thuế sử dụng đất được hiểu là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc mà tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải đóng khi sử dụng đất, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn.
Các trường hợp không phải nộp hoặc được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất:
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất: theo Điều 5 Nghị định số 57/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án. Sau đó, được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đã chuyển đổi.
- Miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước: theo Điều 6 Nghị định số 57/2018.
- Miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: theo Điều 10, 11 Thông tư 153/2011/TT-BTC, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với:
- Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (đặc biệt ưu đãi đầu tư); dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư (ưu đãi đầu tư) tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh;
- Đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.
Ngoài ra, đối với các hoạt động kinh doanh đặc thù, công ty vốn nước ngoài có thể phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường…
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Các Khoản Lệ Phí, Thuế Phải Đóng Của Công Ty Vốn Nước Ngoài Tại Việt Nam mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Điều 1.6 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013
[2] Điều 1.7 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013
[3] Điều 3.44 và 3.45 Luật Đất đai 2024