5 bước để mua cổ phần doanh nghiệp
Cổ phiếu: Cầm trong tay nhưng vẫn chưa chắc ăn
Qua quan hệ lâu năm, nhà đầu tư Ấn Độ nọ đã mua 4% cổ phần trong công ty cổ phần trong nước. Hợp đồng mua bán cổ phần đã được ký kết, tiền đã được chuyển vào tài khoản của bên bán, thông tin của bên mua đã được ghi vào sổ cổ đông và công ty cũng đã cấp cổ phiếu cho bên mua. Mọi chuyện tưởng như đã xong.
Một thời gian dài sau đó, công ty không đả động gì đến việc chia cổ tức cũng như không họp đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu của nhà đầu tư Ấn Độ. Tranh chấp nổ ra và vụ việc được đưa đến sở kế hoạch và đầu tư (KHĐT) để được giải quyết. Sở KHĐT bất ngờ thông báo rằng việc mua bán cổ phần là không hợp pháp do khi mua bán, các bên đã không đăng ký với sở KHĐT. Quyền lợi của nhà đầu tư trong công ty, do vậy, vẫn là một dấu hỏi.
Ở trên là một trường hợp điển hình mà nhà đầu tư nước ngoài gặp rắc rối khi mua vốn cổ phần trong các công ty tại Việt Nam.
Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi thấy rằng rắc rối trên phát sinh do sự không rõ ràng trong quy định “cổ phần được chuyển nhượng tự do” tại Khoản 1 Điều 79 và Khoản 5 Điều 87 Luật Doanh nghiệp cũng như sự mâu thuẫn giữa Luật Doanh Nghiệp và Luật Đầu Tư.
Thế nào là “cổ phần được chuyển nhượng tự do”?
“Cổ phần được chuyển nhượng tự do” đã trở thành suy nghĩ bình thường của rất nhiều người, nhất là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng câu hỏi: “Thế nào là chuyển nhượng tự do?” vẫn làm nhiều người bối rối.
Có ý kiến cho rằng “chuyển nhượng tự do” nghĩa là cổ phần sẽ được tự do mua bán bằng văn bản hoặc trao tay mà không phụ thuộc vào thủ tục nào. Nói cách khác, việc chuyển nhượng cổ phần không cần sự phê chuẩn của hội đồng quản trị/đại hội đồng cổ đông của Công ty hoặc sự chấp thuận của cơ quan đăng ký kinh doanh. Cách hiểu này dẫn đến hệ quả là các bên liên quan không quan tâm đến thủ tục khi mua bán cổ phần, thậm chí không đăng ký việc mua bán với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, ý kiến phản đối cho rằng, quy định “cổ phần được chuyển nhượng tự do” tại khoản 1 điều 79 và khoản 5 điều 87 LDN chỉ nói đến sự tự do về hình thức chuyển nhượng (nghĩa là chuyển nhượng bằng văn bản hay trao tay), chứ không đề cấp đến những vấn đề khác. Nghĩa là không có sự tự do tuyệt đối mà các bên vẫn phải tuân thủ các thủ tục trong điều lệ và pháp luật, và phải được đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hiện nay, chưa có văn bản chính thức giải thích quy định “cổ phần được chuyển nhượng tự do”, do vậy, cuộc tranh luận trên vẫn chưa có điểm dừng.
Chỉ tuân theo Luật Doanh Nghiệp: chưa đủ
Luật Doanh Nghiệp quy định trình tự mua bán cổ phần rất đơn giản: các bên tự thỏa thuận và yêu cầu công ty ghi tên người mua vào sổ cổ đông của công ty. Bên mua được coi là cổ đông của công ty khi thanh toán hết tiền và thông tin của họ được ghi vào sổ cổ đông của công ty mà không cần đăng ký với cơ quan nhà nước (nếu sau khi mua bán, số cổ phần của bên mua chiếm dưới 5% tổng số cổ phần của công ty hoặc bên bán không phải là cổ đông sáng lập).
Do vậy, trong ví dụ trên, nhà đầu tư Ấn Độ cho rằng khi tên họ đã được ghi vào sổ cổ đông và nắm trong tay cổ phiếu do công ty phát hành, nghĩa là họ đã là cổ đông của công ty.
Đúng là các bên đã tuân thủ trình tự mua bán cổ phần nếu nhìn dưới góc độ Luật Doanh Nghiệp. Tuy nhiên, dưới góc độ Luật Đầu Tư, thủ tục trên vẫn chưa trọn vẹn.
Theo Luật Đầu Tư, việc mua bán cổ phần được coi là một hình thức đầu tư (điều 21). Do vậy, về nguyên tắc, nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam theo hình thức này sẽ chịu ràng buộc bởi cam kết WTO và luật Việt Nam (đối với nhà đầu tư mang quốc tịch của quốc gia thành viên WTO hoặc khi công ty Việt Nam kinh doanh các ngành nghề và lĩnh vực quy định trong cam kết WTO), hoặc luật Việt Nam (trong những trường hợp khác).
Cơ quan nhà nước Việt Nam sẽ phải xem xét hồ sơ mua bán cổ phần để chắn chắn là nhà đầu tư đáp ứng các ràng buộc trong WTO và/hoặc Luật Việt Nam (như điều kiện về quốc tịch của nhà đầu tư, tỷ lệ vốn góp, điều kiện tài chính của nhà đầu tư, ngành nghề của doanh nghiệp Việt Nam . . .). Và khi cơ quan nhà nước Việt Nam ban hành giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư thừa nhận việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, việc mua cổ phần đó mới có giá trị pháp lý theo luật Việt Nam.
5 bước để mua cổ phần
Trong bối cảnh thiếu hướng dẫn về việc tự do chuyển nhượng cổ phần và sự không thống nhất giữa Luật Doanh Nghiệp và Luật Đầu Tư, câu hỏi mà nhà đầu tư quan tâm là: thế nào là một quy trình mua cổ phần hợp pháp?
Dưới đây là một quy trình mua cổ phần để nhà đầu tư nước ngoài tham khảo. Quy trình này có thể thay đổi theo từng giao dịch cụ thể và từng địa phương.
-
Mở tài khoản vốn
Đây là điều kiện bắt buộc khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.[1] Tài khoản này được mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam và phải được đăng ký làm tài khoản vốn với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tất cả mọi hoạt động đầu tư của nhà đầu tư phải thực hiện thông qua tài khoản vốn, bao gồm cả việc thanh toán mua cổ phần, nhận cổ tức hoặc chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.
-
Ký hợp đồng mua bán cổ phần và thanh toán tiền qua tài khoản vốn
Sau khi mở và đăng ký tài khoản vốn, nhà đầu tư có thể tiến hành góp vốn hoặc mua cổ phẩn theo quy định của Luật Doanh Nghiệp và Luật Đầu Tư.
Đối với các công ty niêm yết, nhà đầu tư cần xin thêm một mã số giao dịch (trading code) để tiến hành mua cổ phần trên thị trường chứng khoán. Việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán còn phải tuân thủ theo quy định của Luật Chứng khoán.
-
Đăng ký thông tin vào sổ cổ đông và cấp giấy chứng nhận cổ phần
Sau khi nhà đầu tư đã thanh toán toàn bộ số tiền góp vốn, mua cổ phần, công ty sẽ ghi nhận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài trong sổ đăng ký cổ đông và cấp giấy chứng nhận cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
-
Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh với cơ quan cấp phép
Công ty sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh để bổ sung thông tin của nhà đầu tư nước ngoài vào đăng ký kinh doanh của công ty hoặc thay đổi cổ đông của công ty tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Một cách thận trọng, công ty cần đăng ký về việc mua cổ phần của nhà đầu tư với cơ quan đăng ký kinh doanh trong mọi trường hợp.
-
Đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty.
Hiện tại, chưa có hướng dẫn chi tiết về việc công ty trong nước có phải xin thêm giấy chứng nhận đầu tư sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong công ty hay không. Tuy nhiên, một số nơi yêu cầu công ty phải đăng ký đầu tư theo Luật Đầu Tư sau khi bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
[1] Điều 6 Quyết định 88/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 6 năm 2009 về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm: Định giá doanh nghiệp, 6 bước để định giá doanh nghiệp
Mã Download: 7000