Công Ty LuậtPhước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

ĐÒI NỢ DOANH NGHIỆP: TÌM HIỂU VỀ THỦ TỤC PHÁP LÝ

doi-no-doanh-nghiep

ĐÒI NỢ DOANH NGHIỆP: TÌM HIỂU VỀ THỦ TỤC PHÁP LÝ

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc phát sinh những khoản nợ xấu là điều không thể tránh khỏi. Theo đó, việc cân bằng giữa lợi nhuận và khoản nợ xấu luôn là điều mà các doanh nghiệp quan tâm. Việc quản lý công nợ một cách hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ đến sự thành công của doanh nghiệp. Trước đây, đòi nợ là một hình thức kinh doanh dịch vụ, là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Dựa trên ngành dịch vụ sẵn có này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với các công ty chuyên cung cấp dịch vụ đòi nợ để giảm gánh nặng, phục hồi tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, liệu rằng doanh nghiệp còn có thể áp dụng cách thức này hay không?

Thực tế cho thấy, việc tiến hành đòi nợ doanh nghiệp dựa trên quy định của pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắt, bất cập. Vì vậy, bài viết với chủ đề “Đòi nợ doanh nghiệp: Tìm hiểu về thủ tục pháp lý” sẽ giúp người đọc, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể tiếp cận và tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi doanh nghiệp nhằm đảm bảo thu hồi các khoản nợ đầy đủ và nhanh chóng.

Kinh doanh đòi nợ thuê – Hình thức đã bị cấm theo quy định pháp luật

Thông thường, khi nghĩ về “Đòi nợ doanh nghiệp: Tìm hiểu về thủ tục pháp lý”, doanh nghiệp luôn mong muốn chọn phương án nhanh gọn nhưng thủ tục pháp lý đơn giản, doanh nghiệp không cần tự mình thực hiện, chỉ giám sát và theo dõi tiến độ đòi nợ. Do đó, hình thức kinh doanh đòi nợ thuê phát triển bùng nổ và trở thành lựa chọn tối ưu hàng đầu của doanh nghiệp.

Đòi nợ là một ngành dịch vụ, theo đó, những doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ phải đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ thực hiện các biện pháp đòi nợ đối với bên nợ theo yêu cầu của chủ nợ. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2021, ngành dịch vụ này đã bị cấm theo quy định tại Điều 6 của Luật đầu tư 2020. Cụ thể, hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký trước ngày 01/01/2021 chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.[1]

Như vậy, vì ngành dịch vụ đòi nợ đã bị cấm nên việc bất kỳ doanh nghiệp nào kinh doanh hay sử dụng dịch vụ này đều là bất hợp pháp.

Một số phương án đòi nợ doanh nghiệp hợp pháp và quy trình thực hiện

Dựa trên vào tình hình hợp tác kinh doanh, việc đòi nợ của mỗi doanh nghiệp cũng có những điểm khác biệt và không thể có công thức chung áp dụng tất cả doanh nghiệp. “Đòi nợ doanh nghiệp: Tìm hiểu về thủ tục pháp lý” không chỉ khai thác về mỗi khía cạnh pháp luật, mà qua đó còn nêu ra những đặc điểm của mỗi phương án đòi nợ để doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn sao cho thích hợp.

Thông qua thực tiễn đòi nợ của các doanh nghiệp, chúng tôi cung cấp các phương án đòi nợ dưới đây để doanh nghiệp cân nhắc và áp dụng biện pháp phù hợp:

  1. Nhắn tin, gọi điện và trao đổi nhắc nhở thanh toán

Đây được xem là phương án “nhẹ nhàng nhất” đối với những trường hợp công nợ không nhiều, vụ việc đơn giản hoặc bên nợ là khách hàng, đối tác thân thiết của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, bên nợ không phải có ý định không thanh toán mà do quên hoặc nhầm lẫn ngày phải thanh toán. Việc nhắc nhở này được xem là hành động thiện chí để yêu cầu bên nợ sớm thanh toán cho doanh nghiệp.

  1. Đàm phán, thương lượng

Trước khi bước vào phương án được nhiều người đọc nghĩ đến khi tiếp cận chủ đề “Đòi nợ doanh nghiệp: Tìm hiểu về thủ tục pháp lý” là khởi kiện, doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc tiến hành đàm phán từng bước với bên nợ để đưa ra các yêu cầu của mình rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Theo đó, quá trình đàm phán sẽ được thể hiện qua từng giai đoạn mà doanh nghiệp có thể can nhắc thực hiện như sau:

  • Gian đoạn nhắc nhở: Trước khi đàm phán, doanh nghiệp có thể dùng các phương thức liên lạc như email, tin nhắn, điện thoại để nhắc nhở khoản nợ của họ đã gần đến thời hạn cuối cùng phải thanh toán. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể hỏi thêm về thời gian cụ thể bên nợ có thể thanh toán, hẹn ngày gặp mặt để tìm hiểu lý do trong trường hợp chưa thể trả nợ, tìm phương án đòi nợ khác (nếu có).
  • Gửi thư yêu cầu thanh toán nợ: Song song với việc liên hệ qua email, tin nhắn, điện thoai, doanh nghiệp có thể gửi thư yêu cầu thanh toán nợ cho bên nợ. Thư yêu cầu thanh toán giúp doanh nghiệp và bên nợ nắm bắt được thông tin cần thiết về khoản nợ, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán,… Văn bản yêu cầu thanh toán là phương thức thích hợp để thể hiện được thái độ vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, cũng là căn cứ để doanh nghiệp tiến hành khởi kiện, xác định thời hiệu khởi kiện và tạo lợi thế trong việc cung cấp hồ sơ, chứng cứ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Giai đoạn gặp mặt để trao đổi về yêu cầu thanh toán: Nếu bên nợ vẫn chưa có bất động thái nào thanh toán sau khi nhắc nhở, doanh nghiệp chủ động sắp xếp một buổi gặp gỡ với bên nợ để có thể trao đổi về những vấn đề liên quan đến khoản nợ. Trong quá trình trao đổi, doanh nghiệp nên tỏ ra thiện chí, tin tưởng vào bên nợ. Tuy nhiên, có thể nhắc nhở ở mức độ mạnh hơn nếu bên nợ vẫn không chịu thỏa hiệp.

Nếu bên nợ vẫn tiếp tục thất hẹn, doanh nghiệp có thể bắt đầu tiến hành biện pháp cảnh cáo nghiêm khắc, đưa ra những hậu quả bất lợi cho bên nợ nếu họ không thanh toán. Căn cứ theo thỏa thuận hợp đồng, quy định pháp luật về dân sự, thương mại, doanh nghiệp được yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Lần này, doanh nghiệp nên đề nghị bên nợ cam kết thanh toán khoản nợ bằng văn bản.

Doanh nghiệp cần lưu ý, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng nên lập thành văn bản với chữ ký xác nhận của các bên. Đồng thời, trong quá trình đàm phán, nếu có sự thay đổi về các nội dung khác với thỏa thuận, giao dịch từ trước như phương thức thanh toán, thời gian thanh toán… cũng cần được ghi nhận và lập thành văn bản để đảm bảo giá trị pháp lý cho những thỏa thuận này.

  1. Tiến hành khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền hoặc trung tâm trọng tài

Một trong những phương án không thể thiếu của chủ đề “Đòi nợ doanh nghiệp: Tìm hiểu về thủ tục pháp lý” và được xem là mức độ cuối cùng mà doanh nghiệp buộc thực hiện để đòi nợ là khởi kiện tại các tòa án có thẩm quyền hoặc trung tâm trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thời gian thực hiện tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể có thể kéo dài từ 03 đến hơn 12 tháng hoặc hơn.

Doanh nghiệp có thể tham khảo quy trình khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu bên nợ thanh toán các khoản nợ doanh nghiệp như sau:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Doanh nghiệp cần nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây: (i) Nộp trực tiếp tại Tòa án; (ii) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; (iii) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).[2] Trong bước này, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ khởi kiện như: hợp đồng mua bán, biên bản xác nhận công nợ… và xác định chính xác khoản tiền nợ cần yêu cầu thanh toán.

Bước 2: Sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện

Sau khi nhận được khởi kiện kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán để xem xét đơn khởi kiện. Trong trường hợp, Tòa án xét thấy đơn khởi kiện của doanh nghiệp chưa phù hợp, thì Tòa án sẽ ban hành thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.

Doanh nghiệp cần lưu ý sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng thời hạn mà Tòa án ấn định, nếu không thể bổ sung đúng hạn, doanh nghiệp cần có văn bản đề nghị Tòa án gia hạn thời hạn. Nếu doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung đúng theo yêu cầu hoặc quá thời hạn quy định thì Tòa án có thể trả lại đơn khởi kiện của doanh nghiệp.

Bước 3: Thụ lý vụ án[3]

Nếu xét thấy đơn khởi kiện của doanh nghiệp là phù hợp và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án sẽ thông báo ngay cho doanh nghiệp biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí, trong trường hợp họ không thuộc trường được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, doanh nghiệp phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán thụ lý vụ án khi doanh nghiệp nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Theo quy định pháp luật, thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án (trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài) từ 01 tháng đến 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.[4]

Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng cần thiết để giải quyết vụ án như xác minh, thu thập chứng cứ, lấy lời khai của đương, thẩm định, định giá tài sản. Với tư cách là nguyên đơn, doanh nghiệp cần phải cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp là có căn cứ và hợp pháp. Trong trường hợp không thể tự mình thu thập, doanh nghiệp có thể yêu cầu Tòa án thu thập từ cơ quan, tổ chức, cá nhân đang cất giữ tài liệu.

Bên cạnh đó, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Nếu hòa giải thành công thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nếu hòa giải không thành thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.

Bước 5: Phiên tòa xét xử sơ thẩm[5]

Doanh nghiệp lưu ý rằng nếu doanh nghiệp đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ xét xử sơ thẩm vắng mặt doanh nghiệp.

Bước 6: Kháng cáo Bản án sơ thẩm

Trong trường hợp doanh nghiệp không đồng ý với quyết định của Bản án sơ thẩm thì doanh nghiệp có quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm lên Tòa án cấp phúc thẩm để được giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án, nếu doanh nghiệp có mặt tại phiên tòa. Còn nếu vắng mặt tại phiên tòa thì sẽ được tính từ thời điểm doanh nghiệp nhận được bản án sơ thẩm.

  1. Thi hành án

Bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật cần phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Tuy nhiên, không phải bên nợ nào cũng tự nguyện trả tiền cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành án bản án/quyết định đó.

Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, doanh nghiệp có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác làm đơn yêu cầu thi hành án gửi tới cơ quan thi hành án cấp quận, huyện nơi tòa án xét xử sơ thẩm để yêu cầu thi hành án.[6] Theo đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị đơn yêu cầu thi hành án kèm theo bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan. Đối với nội dung đơn yêu cầu thi hành án, doanh nghiệp cần cần cung cấp các thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của bên nợ để cơ quan thi hành án thuận tiện trong việc xác minh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án để tránh trường hợp bên nợ tẩu tán tài sản và không có khả năng trả nợ theo bản án như biện pháp phong tỏa tài sản, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của bên nợ, …

Cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền cho doanh nghiệp như biện pháp kê biên tài sản, khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của bên nợ, thu tiền từ hoạt động kinh doanh của bên nợ,…

  1. Thủ tục yêu cầu phá sản doanh nghiệp

 Từ khi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính thức bị cấm, số lượng doanh nghiệp bị cá nhân, tổ chức kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản tăng dần lên. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.[7] Theo đó, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.[8] Khi doanh nghiệp lựa chọn thực hiện thủ tục này, doanh nghiệp nên lưu ý rằng, tài sản của của bên nợ sẽ được ưu tiên thanh toán cho chi phí phá sản, khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, các khoản bảo hiểm trả cho người lao động, sau đó mới tới các khoản nợ có đảm bảo, các khoản nợ không có đảm bảo.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Đòi nợ doanh nghiệp: Tìm hiểu về thủ tục pháp lýPhước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

[1] Điều 77.5 Luật Đầu tư 2020.

[2] Điêu 189.1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

[3] Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

[4] Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

[5] Điều 222 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

[6] Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008.

[7] Điều 4.2 Luật Phá sản 2014.

[8] Điều 5.1 Luật Phá sản 2014.

Summary
Article Name
ĐÒI NỢ DOANH NGHIỆP: TÌM HIỂU VỀ THỦ TỤC PHÁP LÝ
Description
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc phát sinh những khoản nợ xấu là điều không thể tránh khỏi. Theo đó, việc cân bằng giữa lợi nhuận và