Công Ty LuậtPhước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Làm Thế Nào Để Tối Ưu Hóa Quản Lý Tài Chính Của Doanh Nghiệp

quan-ly-tai-chinh

Làm Thế Nào Để Tối Ưu Hóa Quản Lý Tài Chính Của Doanh Nghiệp

Trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, quản lý tài chính có vai trò thiết yếu đối với sự tồn tại của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp ngày nay dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề làm thế nào để tối ưu hóa quản lý tài chính của doanh nghiệp. Trên thực tế, bên cạnh các công việc thuần về tài chính như quản lý ngân sách, quản lý dòng tiền, định giá doanh nghiệp, phân tích chi phí và hiệu suất, v.v thì việc quản lý các rủi ro về mặt pháp lý trong hoạt động kinh doanh cũng góp phần đáng kể giúp giảm thiểu các rủi ro, thiệt hại kinh doanh, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa về mặt tài chính. Bài viết này cung cấp một số lưu ý về mặt pháp lý giúp doanh nghiệp giảm thiểu thất thoát tài chính và quản lý các chi phí của doanh nghiệp tối ưu hơn.

  1. Giảm thiểu rủi ro khi huy động vốn

Để mở rộng hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp thường huy động vốn thông qua các hình thức như: vay vốn từ công ty mẹ, hoặc vay vốn từ các tổ chức tín dụng, hoặc tăng vốn điều lệ bằng cách huy động vốn góp từ các tổ chức, cá nhân khác, v.v. Việc tuân thủ các quy định pháp luật trong suốt quá trình huy động vốn cũng là điều cần lưu tâm nếu muốn các giao dịch thành công, tuy nhiên vấn đề này đôi khi chưa nhận được nhiều sự chú ý từ các bên có liên quan. Khi doanh nghiệp tiến hành huy động vốn mà không tuân thủ các quy định pháp luật, việc này có thể dẫn đến các rủi ro pháp lý tiềm ẩn, làm phát sinh các tranh chấp  khiến các bên có liên quan phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí để giải quyết. Đồng thời, nếu doanh nghiệp không tuân thủ các quy định, thủ tục theo quy định pháp luật trong quá trình huy động vốn, doanh nghiệp có thể phải chịu các mức phạt vi phạm hành chính cao, gây thiệt hại lớn về mặt tài chính. Đơn cử, theo Điều 3.3 và Điều 23.3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, mức phạt vi phạm hành chính có thể lên đến 60 triệu đồng trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về việc đăng ký khoản vay trung, dài hạn nước ngoài. Thêm vào đó,c ác tranh chấp giữa các bên liên quan trong hoạt độngđầu tư cũng có thể gây tốn kém lớn về mặt thời gian và tiền bạc, chẳng hạn như các tranh chấp về hợp đồng mua cổ phần, hợp đồng góp vốn, vay vốn.

Vì vậy, ngoài mối quan tâm về khả năng thu hút vốn đầu tư, doanh nghiệp cũng cần xem xét một cách toàn diện đến các rủi ro pháp lý tiềm ẩn nhằm sớm nhận diện, giảm thiểu và tiến đến việc loại bỏ các rủi ro này. Từ đó, doanh nghiệp có thể thực hiện tối ưu hóa quản lý tài chính của mình thông qua việc tránh phải chi trả những khoản tiền phạt, chi phí giải quyết tranh chấp và các thiệt hại liên quan khác.

  1. Tối ưu hóa hiệu suất làm việc của người lao động

Với câu hỏi làm thế nào để tối ưu hóa quản lý tài chính của doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều nghĩ đến việc tối ưu hóa các chi phí. Nhắc đến việc tối ưu hóa chi phí, các nhà lãnh đạo thường dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề trước mắt như giảm chi phí nhân công, tìm nhà cung cấp rẻ hơn, v.v. Trong khi đó, các doanh nghiệp có thể chưa lưu ý đến tầm quan trọng của việc quản lý hiệu suất làm việc của người lao động sao cho phù hợp với quy định pháp luật. Một số doanh nghiệp có quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên lại áp dụng các phương thức cực đoan như yêu cầu người lao động làm thêm nhiều giờ nhưng không trả lương làm thêm giờ, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động. Điều này dẫn đến doanh nghiệp có thể phải đối diện với chế tài theo quy định pháp luật hoặc các tranh chấp về lao động.

Để thay thế cho các hình thức nêu trên, doanh nghiệp có thể sử dụng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc (“Quy Chế”) nhằm quản lý hiệu suất làm việc của người lao động, đồng thời chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp đối với những người lao động không đáp ứng yêu cầu công việc. Cụ thể, theo Điều 36.1(a) Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Ngoài việc sử dụng Quy Chế làm căn cứ pháp lý để doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp đối trong trường hợp người lao động không đáp ứng được mức độ hoàn thành công việc, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng Quy Chế này để sàng lọc các đối tượng không có năng lực, trách nhiệm trong công việc. Đồng thời, khi Quy Chế được ban hành, người lao động sẽ phải đối diện với mối lo bị chấm dứt hợp đồng lao động nếu không hoàn thành các mục tiêu do doanh nghiệp đặt ra, từ đó người lao động sẽ có động lực làm việc hơn, hạn chế tình trạng trì trệ, chểnh mảng trong công việc. Việc xây dựng và áp dụng Quy Chế trong việc quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng trở nên phổ biến.

  1. Tối ưu hóa số thuế phải nộp

Tối ưu hóa số thuế mà doanh nghiệp phải nộp luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hành vi trốn thuế để giảm số thuế phải nộp. Trốn thuế được hiểu là hành vi không nộp thuế hoặc giảm số thuế phải nộp một cách bất hợp pháp. Khi bị phát hiện, doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế và có thể phải chịu mức phạt lên đến hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cá nhân vi phạm có thể phải ngồi tù, doanh nghiệp vi phạm có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Để tìm lời giải cho vấn đề làm thế nào để tối ưu hóa quản lý tài chính của doanh nghiệp, tối ưu hóa số thuế phải nộp là một giải pháp hiệu quả. Trong khi trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tối ưu hóa số thuế phải nộp lại là một biện pháp hợp pháp, được cơ quan nhà nước khuyến khích thực hiện. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tối ưu hóa số thuế phải nộp mà vẫn đảm bảo tuân thủ đúng theo các quy định của cơ quan thuế và pháp luật về thuế? Trên thực tế, doanh nghiệp có thể đang phải nộp số thuế nhiều hơn mức thực sự phải nộp, vì các lý do như hồ sơ kế toán còn sai sót, các chi phí doanh nghiệp có thể được tối ưu hóa hơn, hoặc có thể một số ưu đãi về thuế đã bị bỏ qua. Vì vậy, tối ưu hóa số thuế phải nộp giúp doanh nghiệp giảm chi phí một cách hiệu quả và hợp pháp thay vì trốn thuế. Để tối ưu hóa số thuế phải nộp, doanh nghiệp nên dành thời gian phân tích, đánh giá lại thực trạng hệ thống quản trị của mình. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp giảm phí, xây dựng hệ thống báo cáo quản trị, cải thiện quy trình và quy chuẩn, kiểm tra và hoàn thiện hồ sơ báo cáo thuế, nâng cao doanh thu và đánh giá lại những ưu đãi thuế có thể đã bị bỏ qua. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tập trung vào việc xác định chiến lược tổ chức hoạt động, mô hình sở hữu, vùng đầu tư, ngành hàng để hoạch định doanh thu, chi phí, lợi ích thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới việc tuyển dụng và phát triển đội ngũ nhân sự kế toán chất lượng, có đủ năng lực và trình độ, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ để đem lại hiệu quả cao trong công tác quản trị, vận hành quy trình kiểm soát tuân thủ pháp luật về thuế. Để đáp ứng điều kiện “tuân thủ quy định pháp luật” khi tối ưu hóa số thuế phải nộp, các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là luật thuế điều chỉnh các loại thuế liên quan và các văn bản hướng dẫn áp dụng luật thuế để vận dụng phù hợp và có lợi cho doanh nghiệp của mình.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng có thể tìm đến các tổ chức tư vấn về thuế để được cung cấp các dịch vụ như: tư vấn thuế; hỗ trợ tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến các loại thuế quan trọng như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhà thầu nước ngoài; cập nhật những thay đổi mới nhất của các quy định pháp luật về thuế. Từ đó, doanh nghiệp có thể tìm ra các phương thức hiệu quả nhất trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh sao cho tối ưu hóa số thuế phải nộp.

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến làm thế nào để tối ưu hóa quản lý tài chính của doanh nghiệp mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý này, vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

Summary
Article Name
Làm Thế Nào Để Tối Ưu Hóa Quản Lý Tài Chính Của Doanh Nghiệp
Description
Trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, quản lý tài chính có vai trò thiết yếu đối với sự tồn tại của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy sự ổn định và phát triển