THÀNH LẬP CÔNG TY LIÊN DOANH VỚI NƯỚC NGOÀI NĂM 2024 CẦN NHỮNG THỦ TỤC GÌ?
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế. Năm 2024, với sự cải thiện không ngừng về môi trường đầu tư và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, việc thành lập công ty liên doanh nước ngoài đang dần trở thành xu hướng nổi bật. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ tiên tiến, nguồn vốn dồi dào, mà còn mở ra con đường phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sự hợp tác này hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn, đồng thời tạo nên những thách thức mới đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược hợp lý từ phía các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, để hiểu rõ chi tiết hơn về công ty liên doanh với nước ngoài, bài viết sau đây sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến “thành lập công ty liên doanh với nước ngoài năm 2024 cần những thủ tục gì?”.
I) Tổng quan về công ty liên doanh
Khái niệm về công ty liên doanh
Hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa quy định khái niệm về công ty liên doanh. Có thể hiểu rằng, công ty liên doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp, mà thay vào đó, là một thuật ngữ dùng để chỉ những doanh nghiệp do hai hoặc nhiều bên cùng nhau hợp tác và thành lập tại Việt Nam. Quy định pháp luật hiện hành quy định rằng liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới[1]. Theo đó, có thể hiểu rằng công ty liên doanh với nước ngoài là việc cá nhân/công ty Việt Nam và cá nhân/tổ chức nước ngoài cùng liên kết để thành lập công ty mới trên cơ sở hợp đồng liên doanh.
Hình thức của công ty liên doanh với nước ngoài
Chính vì công ty liên doanh với nước ngoài được hình thành trên cơ sở của việc hợp tác giữa hai hay nhiều bên với nhau, do đó, công ty liên doanh với nước ngoài có thể được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Các loại hình doanh nghiệp này đều có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài sản riêng, chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp. Ví dụ: Ngân hàng liên doanh được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hai thành viên trở lên nhưng không quá 5 thành viên. Trong đó, một thành viên và người có liên quan không được sở hữu vượt quá 50% vốn điều lệ [2].
Đặc điểm của công ty liên doanh vốn đầu tư nước ngoài
Ngày nay, việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang ngày càng trở nên vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế thị trường Việt Nam. Điều này không chỉ giúp cung cấp nguồn vốn mà còn mang lại công nghệ tiên tiến và kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là những kinh nghiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp từ các đối tác quốc tế. Đây là những yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Với những lý do trên, việc thành lập các công ty liên doanh có những đặc điểm sau đây:
- Đặc điểm cốt lõi nhất về công ty liên doanh là có sự phối hợp cùng góp vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư Việt Nam.
- Tỷ lệ góp vốn của mỗi bên sẽ quyết định tới mức độ tham gia quản lý doanh nghiệp, tỷ lệ lợi nhuận được hưởng cũng như rủi ro mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu.
- Công ty liên doanh có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Đối tác liên doanh là các doanh nghiệp trong nước hoặc ngoài nước.
- Công ty liên doanh được thành lập như một công ty độc lập.
II) Thủ tục thành lập công ty liên doanh
Hình thức đầu tư của công ty liên doanh với nước ngoài
Trên cơ sở chiến lược và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của toàn bộ nền kinh tế, nhà nước khuyến khích mạnh mẽ việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
Đối với hình thức đầu tư trực tiếp này cả phía nước ngoài và Việt Nam đều cùng nộp hồ sơ xin thành lập công ty. Đây là hình thức pháp lý rõ ràng, các đối tác cùng góp vốn để dự án đi vào hoạt động, thủ tục đúng quy trình pháp luật và đảm bảo an toàn pháp lý. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức đầu tư trực tiếp này là mâu thuẫn trong điều hành và quản lý doanh nghiệp do các bên có sự khác nhau về mặt chính trị, phong tục tập quán, truyền thống, văn hoá và ngôn ngữ. Bên cạnh đó, bên liên doanh tại nước sở tại có thể rơi vào thế hạ phong do tỷ lệ góp vốn thấp, năng lực và trình độ quản lý yếu.
Thủ tục thành lập công ty liên doanh với nước ngoài
Việc thành lập công ty liên doanh với nước ngoài có thể thông qua thủ tục thành lập công ty liên doanh (công ty liên doanh sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước sau đó làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) như sau:
Bước 1: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty liên doanh, sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, nhà đầu tư nộp trực tiếp tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư (hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh/thành phố nếu công ty liên doanh tọa lạc trong khu công nghiệp) nơi dự kiến đặt trụ sở hoạt động của công ty liên doanh. Hồ sơ phải đúng theo quy định của pháp luật[3],bao gồm:
(+) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
(+) Đề xuất dự án đầu tư;
(+) Bản sao hợp đồng thuê đất/ văn phòng làm trụ sở công ty;
(+) Bảo sao hợp lệ giấy tờ pháp ký của nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài;
(+) Tài liệu chứng minh khả năng tài chính của nhà đầu tư;
(+) Các tài liệu khác có liên quan hoặc được yêu cầu cung cấp.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Phòng Đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty liên doanh.
Bước 2: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty liên doanh. Hồ sơ thành lập công ty được quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP, bao gồm:
(+) Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp;
(+) Điều lệ;
(+) Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
(+) Bản sao CCCD/CMND/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật/nhà đầu tư góp vốn là cá nhân;
(+) Bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh/ quyết định thành lập của nhà đầu tư là tổ chức;
(+) Văn bản cử người đại diện ủy quyền quản lý phần vốn góp của tổ chức;
(+) CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện.
Sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thành lập công ty đầy đủ, hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty liên doanh.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến thành lập công ty liên doanh với nước ngoài năm 2024 cần những thủ tục gì? mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.
[1] Khoản 5 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018
[2] Thông tư 13/2023/TT-NHNN
[3] Luật đầu tư 2020