Công Ty LuậtPhước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Các loại hình tranh chấp xây dựng phổ biến

tranh-chap-xay-dung

Các loại hình tranh chấp xây dựng phổ biến

Xây dựng là một lĩnh vực vô cùng phức tạp và đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều bên tham gia. Một dự án phải trải qua rất nhiều các công đoạn, quy trình, thủ tục khác nhau để hoàn thiện và đưa công trình vào sử dụng. Trong quá trình đó, nhiều tranh chấp có thể xảy ra do những bất đồng, lỗi của các bên hay thậm chí vì những lí do khách quan khác. Vấn đề giải quyết tranh chấp sao cho nhanh chóng và hiệu quả nhất luôn là quan tâm hàng đầu của các bên có liên quan. Bài viết này sẽ trao đổi về các loại hình tranh chấp xây dựng phổ biến tại Việt Nam hiện nay và một số phương thức để giải quyết loại tranh chấp này một cách hiệu quả.

Tranh chấp xây dựng là gì?

Cũng như các loại tranh chấp khác, tranh chấp xây dựng phát sinh từ những vi phạm về nghĩa vụ của các bên trong lĩnh vực xây dựng mà chủ yếu được quy định trong các hợp đồng liên quan đến dự án xây dựng, từ việc lựa chọn nhà thầu, thiết kế, thi công, cho tới thanh toán và bảo hành.

Như vậy, có thể hiểu tranh chấp xây dựng về bản chất là các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng xây dựng, các bên xảy ra tranh chấp khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong hợp đồng bị xâm phạm. Từ đó, cơ chế giải quyết tranh chấp các loại hình tranh chấp xây dựng cũng sẽ tương tự như giải quyết tranh chấp về hợp đồng nói chung.

tranh-chap-xay-dung-la-gi

Nguồn ảnh: cdn.luatminhkhue.vn

Các loại hình tranh chấp xây dựng phổ biến

Căn cứ vào hợp đồng xây dựng, tranh chấp xây dựng có thể phát sinh từ nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là các loại hình tranh chấp xây dựng phổ biến nhất:

Thứ nhất, tranh chấp xây dựng phát sinh do vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Về cơ bản, chủ đầu tư hay bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ (100%) giá trị hợp đồng cho bên nhận thầu dựa theo thỏa thuận trong hợp đồng. Song trên thực tế, tranh chấp thường thấy là khi các nhà thầu đã hoàn thành nghĩa vụ thi công theo hợp đồng nhưng chủ đầu tư lại viện dẫn các lý do khác nhau như thiếu hồ sơ nghiệm thu, các hạng mục công trình không đạt yêu cầu về an toàn, hoặc nhà thầu không thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hành để từ chối thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ giá trị hợp đồng.

Thứ hai, tranh chấp xây dựng phát sinh từ tiến độ thi công. Loại hình tranh chấp này có thể xuất phát từ cả hai phía trong quan hệ xây dựng. Về phía nhà thầu, có thể bị tác động bởi các yếu tố chủ quan, khách quan như thời tiết, nhân lực, tai nạn tại công trình, v.v. Về phía chủ đầu tư, chủ đầu tư có thể có sai phạm về thiết kế, dẫn đến thay đổi thiết kế so với ban đầu, hoặc việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều vấn đề. Việc này vô hình trung làm ảnh hưởng đến các hạng mục liên quan khác của công trình, kéo dài thời gian hoàn thiện công trình, dẫn đến hao hụt nguồn vốn, không đảm bảo tiến độ thực hiện của công trình.

Thứ ba, các bên tranh chấp về phạm vi công việc. Trong quá trình xây dựng, phía chủ đầu tư có thể đưa ra các yêu cầu vượt quá phạm vi công việc hoặc nhà thầu thực hiện thiếu các hạng mục thi công cũng có thể làm phát sinh tranh chấp.

Thứ tư, tranh chấp xây dựng phát sinh từ thủ tục nghiệm thu và bàn giao công trình. Sau khi hoàn tất quá trình thi công thì nghiệm thu công trình cũng là một giai đoạn trong đó các bên có thể nảy sinh tranh chấp. Tranh chấp xây dựng phát sinh từ nghiệm thu và bàn giao công trình có thể bắt nguồn từ việc các bên không chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nghiệm thu, thông tin nghiệm thu không chính xác, người ký biên bản nghiệm thu không có thẩm quyền, các hạng mục nghiệm thu bị hỏng hóc hoặc không đúng theo hiện trạng, và các vấn đề khác liên quan mà không đúng theo hợp đồng các bên đã ký trước đó.

Thứ năm, tranh chấp xây dựng phát sinh từ trách nhiệm bảo hành. Theo pháp luật về xây dựng, nhà thầu có trách nhiệm bảo hành công trình đã thi công. Tuy nhiên trên thực tế, khi chủ đầu tư phát hiện các hạng mục thi công có sự hỏng hóc hoặc không đảm bảo an toàn, nhà thầu lại trốn tránh trách nhiệm bảo hành hoặc không bảo hành toàn bộ công trình theo như hợp đồng đã cam kết, từ đó dẫn đến tranh chấp.

Thứ sáu, tranh chấp xây dựng phát sinh do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Tương tự như các loại hợp đồng khác, hợp đồng xây dựng cũng có thể bị đơn phương chấm dứt bởi một trong các bên vì nhiều lí do khác nhau. Khi đó, nghĩa vụ phạt và bồi thường do đơn phương chấm dứt có thể được áp đặt lên bên có vi phạm, và tranh chấp từ đó phát sinh.

Thứ bảy, tranh chấp xây dựng phát sinh do sự thay đổi chính sách từ cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay, có rất nhiều luật cùng điều chỉnh một quan hệ xây dựng, từ Luật Xây dựng, Luật Kiểm toán, Luật Thương mại hay Luật Dân sự, Luật Đấu thầu, theo đó số lượng các văn bản hướng dẫn cũng là rất lớn và được cập nhật thường xuyên theo thời gian. Mặt khác, một dự án xây dựng tính từ khi được phê duyệt đến khi thi công và bàn giao có thể mất nhiều năm. Do đó, một rủi ro lớn đối với các bên đó chính là không cập nhật kịp thời các chính sách pháp luật mới để rồi vi phạm, dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia, từ đó nảy sinh tranh chấp.

Các-loại-hình-tranh-chấp-xây-dựng-phổ-biến

Nguồn ảnh: lsvn.vn

Cần làm gì khi tranh chấp xây dựng xảy ra?

Tranh chấp xây dựng là một dạng tranh chấp rất phổ biến và chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên có thể lựa chọn áp dụng để vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc của các bên tham gia, vừa đạt hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp. Theo đó, một số phương pháp giải quyết tranh chấp xây dựngphổ biến bao gồm:

Thứ nhất, các bên tự thương lượng, đàm phán để tìm hướng giải quyết. Đây là phương thức được khuyến nghị bởi lẽ nó không tốn nhiều chi phí và không bị ràng buộc bởi những thủ tục pháp lý phức tạp, uy tín cũng như bí mật trong kinh doanh được bảo đảm tối đa và mức độ phương hại đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên cũng thấp, thậm chí còn tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau sau khi thương lượng thành công.

Thứ hai, các bên có thể lựa chọn hòa giải tranh chấp xây dựng. Phương thức này tương tự như thương lượng tuy nhiên sẽ có một bên thứ ba khách quan đóng vai trò hòa giải viên trung gian, hỗ trợ các bên tìm tiếng nói chung. Phương thức này vẫn đảm bảo được tính bảo mật, biên bản hòa giải thành còn có thể được Tòa án công nhận giá trị pháp lý và cho thi hành.

Thứ ba, trọng tài cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp xây dựng hiệu quả. Trọng tài sẽ xem xét và đưa ra phán quyết có giá trị chung thẩm mà vẫn đảm bảo việc bảo mật thông tin của các bên tranh chấp . Đồng thời, việc giải quyết thông qua trọng tài cũng nhanh chóng hơn Tòa án, và có thể có sự tham gia của các chuyên gia về xây dựng, đảm bảo được tính chuyên môn trong việc giải quyết tranh chấp.

Cuối cùng, các bên có thể khởi kiện ra Tòa án. Mặc dù thời gian có thể kéo dài, Tòa án vẫn là cơ quan giải quyết tranh chấp có hiệu quả và bản án của Tòa án trên thực tế vẫn có khả năng thi hành cao hơn.

Cần-làm-gì-khi-tranh-chấp-xây-dựng-xảy-ra

Nguồn ảnh: letranlaw.com

Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến các loại hình tranh chấp xây dựng phổ biến mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.