Công Ty LuậtPhước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Căn Cứ Phát Sinh Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng

trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Căn Cứ Phát Sinh Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng

Thiệt hại ngoài hợp đồng là một thuật ngữ pháp lý được ghi nhận trong pháp luật dân sự. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa của thuật ngữ pháp lý này. Theo như tên gọi của thuật ngữ, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc vào hợp đồng hay thỏa thuận của các bên.

Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật khác có liên quan quy định.

Với cơ sở pháp lý như trên, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên một số yếu tố thực tiễn hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

  1. Căn cứ vào các yếu tố thực tiễn:

Các yếu tố thực tiễn làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: thiệt hại, hành vi trái pháp luật, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.

  • Phải có thiệt hại xảy ra:

Theo cơ sở pháp lý như trên, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần có một trong các loại thiệt hại sau: thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của một chủ thể.

Thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản bị xâm phạm được quy định cụ thể tại các Điều 589, 590, 591 và 592 Bộ luật Dân sự 2015.

  • Phải có hành vi trái pháp luật:

Hành vi trái pháp luật dùng làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động. Cụ thể, (i) thực hiện những hành vi bị pháp luật cấm, (ii) không thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện hoặc (iii) sử dụng quyền hạn vượt quá phạm vi được pháp luật cho phép đều được xem là hành vi trái pháp luật.

  • Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật.

Theo đó, thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại.

Lưu ý, so sánh với Bộ luật dân sự 2005, yếu tố lỗi đã được lược bớt khi xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi cơ quan chức năng giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, chỉ cần chứng minh đủ ba yếu tố như trên mà không cần đề cập đến yếu tố lỗi của chủ thể thực hiện hành vi là đã có căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Yếu tố lỗi chỉ dùng làm cơ sở trong việc xem xét người gây thiệt hại có được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay không[1] hoặc xác định giá trị thiệt hại cần được bồi thường[2].

  1. Căn cứ theo quy định của pháp luật:

Một chủ thể không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại và không có hành vi gây thiệt hại thực tế vẫn có thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Một số trường hợp bồi thường theo luật định như sau:

  • Bồi thường thiệt hại do tài sản gây nên:

Chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi tài sản gây thiệt hại[3]. Tài sản gây thiệt hại có thể là nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác[4].

  • Bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây nên[5]:

Cha, mẹ, người giám hộ, trường học có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người chưa thành niên theo quy định của pháp luật nếu người chưa thành niên gây thiệt hại.

Người giám hộ, bệnh viện hoặc pháp nhân khác trực tiếp quản lý người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường thiệt hại do người mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của pháp luật.

  • Các trường hợp khác

Bộ luật dân sự còn quy định về một số trường hợp cụ thể phát sinh trách nhiệm bồi thường như:

  • Pháp nhân bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao;
  • Nhà nước bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
  • Cá nhân, pháp nhân bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao, v.v.

Ngoài các trường hợp được pháp luật dân sự nên ra, bạn đọc cần lưu ý các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn được quy định tại các văn bản luật chuyên ngành có liên quan tùy từng thời điểm.

Trên đây là nội dung khái quát về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong vấn đề pháp lý liên quan trách nhiệm bồi thường thiệt hại, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làmThuếMua bán và Sáp nhậpTranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật  cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.

[1] Điều 584.2 Bộ luật Dân sự 2015.

[2] Điều 585.2, Điều 585.4 và Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015.

[3] Điều 584.3 Bộ luật Dân sự 2015.

[4] Điều 601, Điều 603, Điều 604 và Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015.

[5] Điều 586.2, Điều 586.3 và Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015.

Summary
Căn Cứ Phát Sinh Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng
Article Name
Căn Cứ Phát Sinh Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng
Description
Theo như tên gọi của thuật ngữ, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc vào hợp đồng
Author
Publisher Name
Phuoc & Partners
Publisher Logo