QUY TRÌNH THU HỒI TÀI SẢN THẾ CHẤP CỦA NGÂN HÀNG
Theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên nhận bảo đảm được xử lý tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 95.2 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật. Như vậy, có thể hiểu rằng khi đến hạn thanh toán nợ gốc và lãi cho ngân hàng mà khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận. Bài viết này sẽ đề cập đến quy trình thu hồi tài sản thế chấp của ngân hàng cụ thể như sau:
Bước 1: Tiến hành thông báo bằng văn bản cho bên thế chấp và các bên cùng nhận thế chấp khác về việc thu hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản thế chấp[1]. Thời hạn thông báo phải thực hiện theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không có thỏa thuận thì phải thực hiện trong thời hạn hợp lý (trước ít nhất 10 ngày đối với động sản hoặc trước ít nhất 15 ngày đối với bất động sản tính đến thời điểm xử lý tài sản thế chấp)[2].
Trong trường hợp tài sản thế chấp có nguy cơ bị hư hỏng, dẫn đến giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì ngân hàng có quyền xử lý ngay, đồng thời thông báo cho khách hàng và các bên nhận bảo đảm khác về việc thu hồi tài sản đó.
Bước 2: Bên thế chấp tiến hành giao một phần hoặc toàn bộ tài sản cho ngân hàng theo thông báo về xử lý tài sản thế chấp. Trong trường hợp bên thế chấp không giao hoặc không thể giao tài sản thì ngân hàng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015.
Bước 3: Ngân hàng và bên thế chấp có thể thỏa thuận về giá tài sản thế chấp hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản[3].
Bước 4: Ngân hàng sẽ xử lý tài sản thế chấp theo phương thức mà các bên đã thỏa thuận[4]. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật bán đấu giá tài sản, trừ tường hợp luật có quy định khác.
Bước 5: Thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ sở hữu mới. Số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu hồi và xử lý tài sản thế chấp sẽ được thanh toán theo thứ tự ưu tiên theo quy định của luật. Số tiền chênh lệch còn lại (nếu có) sau khi thanh toán sẽ được trả cho bên thế chấp.
Trong quá trình xử lý, thu hồi tài sản thế chấp, ngân hàng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc thu hồi tài sản còn bên thế chấp phải nắm được các quy định để kịp thời can thiệp trong trường hợp ngân hàng không tuân thủ quy định về thủ tục, quy trình thu hồi tài sản thế chấp. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngân hàng và bên thế chấp đều cần phải tham khảo ý kiến tư vấn pháp lý của luật sư.
Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật Tư vấn pháp lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.
[1] Điều 300 của Bộ luật Dân sự 2015
[2] Điều 51.4 của Nghị định 21/2021/NĐ-CP
[3] Điều 306 của Bộ luật Dân sự 2015
[4] Điều 303.1 của Bộ luật Dân sự 2015