Công Ty LuậtPhước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Giải Quyết Tranh Chấp Trong Thương Mại Quốc Tế

tranh chấp thương mại quốc tế

Giải Quyết Tranh Chấp Trong Thương Mại Quốc Tế

Việc tìm hiểu về giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế là rất cần thiết để hạn chế những rủi ro, chi phí và nhanh chóng định hướng cách thức giải quyết khi tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại quốc tế để bảo vệ tốt nhất quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong tranh chấp.

  1. Tranh chấp thương mại quốc tế

 Thương mại quốc tế có thể hiểu là hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài. Yếu tố nước ngoài ở đây được xác định dựa trên ba tiêu chí sau: (i) Chủ thể trong quan hệ thương mại là các bên có quốc tịch khác nhau hoặc có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau; (ii) Sự kiện làm phát sinh thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ thương mại xảy ra ở nước ngoài, và (iii) Đối tượng của quan hệ thương mại ở nước ngoài[1].

Tranh chấp trong thương mại quốc tế là những bất đồng hay xung đột (mâu thuẫn) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế.

  1. Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế

 Theo quy định của Luật Thương mại 2005[2], có ba phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại bao gồm:

  • Thương lượng giữa các bên;
  • Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải;
  • Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.

Trên thực tiễn, giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế cũng được thực hiện thông qua ba phương thức nêu trên.

2.1 Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế thông qua phương thức thương lượng giữa các bên

Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế bằng thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên tham gia sẽ gặp gỡ, trao đổi thông tin, thỏa thuận để giải quyết những bất đồng hay mâu thuẫn giữa các bên. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp, thương lượng thường là phương thức ưu tiên lựa chọn ngay sau khi phát sinh tranh chấp. Bởi lẽ, xuất phát từ nguyên tắc tự do định đoạt, tự nguyện cam kết thỏa thuận mà các bên trước tiên luôn tự mình tìm cách giải quyết.

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp đơn giản, không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý phức tạp. Đây cũng là phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế ít làm tổn hại quan hệ hợp tác và đảm bảo được những bí mật kinh doanh, uy tín của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tranh chấp thương mại quốc tế lại không dễ để tiến hành thương lượng hoặc thậm chí có thương lượng nhưng vẫn không thể đi đến thống nhất, tìm ra được tiếng nói chung trong việc tháo gỡ mâu thuẫn giữa các bên. Bởi lẽ, phương thức này đòi hỏi cao tính thiện chí, trung thực, tự nguyện hợp tác giữa các bên tham gia. Do đó, nếu một bên không thiện chí, không hợp tác thì không thể tiến hành giải quyết tranh chấp bằng thương lượng.

2.2 Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế thông qua phương thức hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải

Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế bằng phương thức hòa giải là quá trình trong đó một bên thứ ba trung lập và khách quan do các bên tranh chấp chỉ định làm trung gian hòa giải để hỗ trợ giải quyết các tranh chấp trong quan hệ thương mại quốc tế giữa các bên. Hòa giải mang lại một phương án giải quyết hợp lý, hợp tình bởi bên trung gian hòa giải là bên thứ ba độc lập không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tranh chấp. Hòa giải viên được lựa chọn chỉ đóng vai trò giúp đỡ các bên tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp.

Ủy ban pháp luật thương mại của Liên hợp quốc đã ban hành Bản quy tắc hòa giải (the UNICITRAL rules of conciliation) năm 1980[3] và Luật mẫu về hòa giải thương mại quốc tế (Model Law on international commercial mediation) năm 2002, được sửa đổi bổ sung năm 2018[4] nhằm khuyến khích các nước thành viên Liên hợp quốc áp dụng phương pháp giải quyết tranh chấp này cũng như tạo nền tảng quy định thống nhất cho các bên khi tham gia hòa giải. Hiện nay, hầu hết các Trung tâm hòa giải (Trung tâm giải quyết tranh chấp (ICDR), Trung tâm hòa giải quốc tế Singapore, v.v.) hay Tổ chức trọng tài thương mại (Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông (HKIAC), v.v.), cũng đều có quy tắc hòa giải riêng và tổ chức việc hòa giải nhằm giúp các bên tham gia giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

2.3 Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế tại trọng tài hoặc tòa án

2.3.1 Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế tại trọng tài

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp kết hợp giữa yếu tố thỏa thuận và tài phán. Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế bằng phương thức trọng tài chỉ phát sinh khi có sự thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận đó phải có giá trị pháp lý và có hiệu lực[5]. Sự thỏa thuận này có thể được thực hiện trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, các bên có quyền được lựa chọn hình thức trọng tài (trọng tài vụ việc hay trọng tài quy chế), lựa chọn tổ chức trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài, luật áp dụng cho thỏa thuận trọng tài, số lượng trọng tài viên, ngôn ngữ trọng tài cũng như địa điểm giải quyết tranh chấp. Phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế bằng trọng tài được kết thúc bằng quyết định trọng tài và quyết định này có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên tương tự như quyết định của Tòa án trừ khi phán quyết này có những sai sót dẫn đến vô hiệu.

2.3.2 Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế tại tòa án

Không giống với trọng tài, tòa án có quyền giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế theo quy định của luật áp dụng khi các tranh chấp phát sinh mà không cần phải có thỏa thuận của các bên tranh chấp về lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống có tính thể thức và tổ chức cao. Hiện nay vẫn chưa có tòa án quốc tế nào để chuyên xét xử các tranh chấp thương mại quốc tế. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra mà các bên không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thủ tục giải quyết tranh chấp thì bên có quyền lợi bị xâm phạm có thể khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền tại nước bị đơn, nước nguyên đơn hoặc nước thứ ba tùy từng trường hợp cụ thể.

Trên đây là nội dung khái quát về giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về vấn đề giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làmThuếMua bán và Sáp nhậpTranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật  cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.

[1] Giáo trình Luật thương mại quốc tế (tái bản lần thứ 12 có sửa đổi) – Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công An nhân dân – 2017, Trang 16;

[2] Điều 317 Luật thương mại 2005;

[3] https://uncitral.un.org/en/texts/mediation/contractualtexts/conciliation;

[4] https://uncitral.un.org/en/texts/mediation/modellaw/commercial_conciliation;

[5] Nguyên tắc này được thể hiện tại Điều 5, Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Điều 2 Công ước về Công nhận và cho thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài (“Công ước New York 1958”);

Summary
Giải Quyết Tranh Chấp Trong Thương Mại Quốc Tế
Article Name
Giải Quyết Tranh Chấp Trong Thương Mại Quốc Tế
Description
Việc tìm hiểu về giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế là rất cần thiết để hạn chế những rủi ro, chi phí và nhanh chóng định hướng cách thức giải quyết
Author
Publisher Name
Phuoc & Partners
Publisher Logo